Thông qua sự kiện này, cộng đồng đam mê nghệ thuật có thể tham gia lễ hội mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt hoàn toàn miễn phí. Không chỉ làm sống lại những giai thoại lịch sử của các khu di sản tại Singapore, lễ hội năm nay còn mang các hoạt động này đến cộng đồng quốc tế thông qua những thước phim tài liệu.
Sweet Tooth mượn hình ảnh động vật để miêu tả hoạt động của người dân đã sống và làm việc ở Tanjong Pagar trong vở kịch Dear Tanjong Pagar
Điểm nhấn của lễ hội năm nay sẽ là 3 khu phố Tanjong Pagar, Kallang và Pasir Ris cùng với bệnh viện dã chiến St Andrew's Mission Hospital tại số 5 đường Kadayanallur. St Andrew's Mission Hospital là bệnh viện dã chiến được thiết kế bởi công ty kiến trúc Swan & Maclaren vào năm 1923 với cấu trúc tam giác, vốn được biết đến như một điểm chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ em nghèo tại Chinatown. Toà nhà cũng nổi danh với chiếc thang máy cổ nhất Singapore, được lắp đặt vào năm 1929 nhằm đưa những bệnh nhi mắc bệnh lao cột sống và các bệnh lý về xương lên tầng thượng để đón ánh nắng và hít thở khí trời.
Các trải nghiệm nhạc kịch giờ đây đã được chuyển hoá thành dạng video. Năm nay, công ty kịch đương đại Sweet Tooth sẽ góp mặt tại lễ hội với 2 buổi diễn về Tanjong Pagar và Kallang, trong khi việc tổ chức nhạc kịch Act 3 sẽ mang đến một chuỗi 5 vở diễn lấy cảm hứng từ khu phố Pasir Ris.
Bà Fiona Jeremiah, đồng đạo diễn và biên kịch của Act 3, cho biết các nghệ sĩ dường như phải "học lại từ đầu" để có thể truyền tải trọn vẹn câu truyện dưới hình thức số hoá: "Toàn bộ dự án là một trải nghiệm hoàn toàn mới và thú vị với tất cả các thành viên. Chúng tôi tin rằng lễ hội này không chỉ đơn thuần tái hiện quá khứ, và nghệ thuật kể chuyện chính là chìa khoá thành công cho buổi công chiếu".
Người tham gia lễ hội có thể chờ đợi những điểm nhấn này khi tham gia vào phiên bản ‘số hoá’ của Lễ hội Di sản Singapore 2020
Ông Alexandre Thio, nhà sản xuất của Sweet Tooth, cũng chia sẻ về những ưu điểm độc đáo của hình thức này: "Trong thế giới kỹ thuật số, người xem sẽ được chìm đắm vào lễ hội theo một nhịp điệu khác, họ có quyền quyết định trải nghiệm của riêng mình, kiến tạo hành trình của chính họ với nhiều nhân vật và câu chuyện, qua đó tạo nên cơ hội để thu hút người xem bằng những cách không tưởng".
Ưu điểm lớn nhất của việc đưa trực tuyến hóa lễ hội chính là khả năng truy cập không giới hạn. Ông David Chew, đạo diễn của Lễ hội Di sản Singapore 2020, tuyên bố: "Lợi ích đó là khi sự kiện không bị giới hạn lượng người tham gia và hoàn toàn miễn phí. Sau khi lễ hội kết thúc, chúng tôi sẽ lưu trữ toàn bộ nội dung trên nền tảng trực tuyến để phục vụ nhu cầu xem lại của khán giả".
Nam Anh