Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Beit Shemesh, Israel, ngày 18/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 21/7, thế giới đã ghi nhận 192.212.390 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.124.286 ca tử vong.

Số ca bình phục hoàn toàn đến thời điểm này là 174.914.174 ca, tuy nhiên vẫn đang có 81.759 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ là nước có số ca tử vong cao nhất (625.262 ca), Brazil đứng thứ hai (544.302 ca), tiếp đến là Ấn Độ (418.511 ca) và Mexico (236.469 ca).

Các nước đã ghi nhận hơn 110.000 ca tử vong gồm Peru, Nga, Anh, Italy, Colombia, Pháp và Argentina.

Xét theo số ca nhiễm, Mỹ đứng đầu với 35.078.666 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 31.215.142 ca và Brazil với 19.419.741 ca.

Các nước còn lại trong tốp 10 gồm Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh (đều trên 5,5 triệu ca nhiễm), Argentina, Colombia và Italy (đều trên 4,2 triệu ca).

Nước có số ca phục hồi nhiều nhất là Ấn Độ (hơn 30 triệu ca), Mỹ (hơn 29 triệu ca) và Brazil (hơn 18 triệu ca).

Châu Á vẫn đang là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận tổng cộng 59.428.520 ca nhiễm.

Khu vực bị ảnh hưởng thứ hai là châu Âu với 50.098.781 ca, tiếp theo là Bắc Mỹ (41.545.404 triệu ca), Nam Mỹ (hơn 34,7 triệu ca).

Tuy nhiên, châu Âu đứng đầu về số ca tử vong, hiện đã lên tới 1.121.763 ca, tiếp đó là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca, Bắc Mỹ có 930.119 ca. Châu Á ghi nhận ít ca tử vong nhất trong 4 khu vực này, với 852.839 ca. Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất, song đã ghi nhận hơn 6,3 ca nhiễm (tại châu Phi) và hơn 91.000 ca nhiễm tại châu Đại Dương.

Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Tiến sỹ Rochelle Walensky cho biết số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gene tại Mỹ. Đây là mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 50% ghi nhận hôm 3/7 vừa qua.

Theo bà Walensky, số ca nhiễm biến thể Delta thậm chí còn cao hơn tại một số khu vực ở Mỹ có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp.

Bà khẳng định: "Biện pháp tối ưu để ngăn ngừa sự lây lan biến thể COVID-19 là ngăn chặn sự lây bệnh và tiêm chủng vaccine là công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có. Chúng ta cần phải tiếp tục 'phủ sóng' vaccine bằng cách xây dựng niềm tin vào các loại vaccine phòng COVID-19."

Dữ liệu gần đây nhất từ Israel đánh giá hiệu quả của vaccine của Pfizer chống lại biến thể Delta cho thấy vaccine này có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng là 64% và có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và các ca nhập viện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 18.000 ca mắc mới COVID-19, đồng thời cảnh báo số ca mắc mới đang tăng nhanh ở mức "chưa từng thấy" do sự lây lan của biến thể Delta.

Hiện tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp đang ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 khi nước này bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa thứ ba.

Theo Bộ trưởng Veran, thống kê mới nhất cho thấy sự lây lan của biến thể Delta gia tăng ở mức 150% trong tuần trước và đây là mức chưa từng thấy đối với chủng virus gốc, hay biến thể Alpha, biến thể Gamma.

Ông Veran cho rằng trong bối cảnh nhiều người hoài nghi vaccine, số liệu mới cho thấy rằng điều này không còn thời gian cho sự nghi ngờ và do dự và việc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua tỷ lệ tiêm chủng cao là cách duy nhất để nước Pháp thoát khỏi sự lây nhiễm này. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Anh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Thống kê của chính phủ cho thấy nước này đã ghi nhận 46.558 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Điều này đồng nghĩa với việc số ca mắc mới từ ngày 14-20/7 đã tăng 40,7% so với 7 ngày trước đó. Bên cạnh đó, Anh cũng ghi nhận 96 ca tử vong mới do COVID-19.

Tại châu Á, Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, cho tới cuối tháng 9/2021, nhằm ứng phó với tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này.

Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết thời gian gia hạn từ ngày 1/8 đến ngày 30/9 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) - cơ quan có chức năng là đơn vị phụ trách các hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ.

Theo bà Traisuree, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh chóng và tích hợp các biện pháp kiểm soát COVID-19 vì lợi ích an toàn cộng đồng.

Quyết định này là để ứng phó với việc hàng nghìn ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận hàng ngày ở vùng Bangkok mở rộng - nơi các biến thể virus dễ lây truyền và kháng thuốc đang lây lan rộng.

Bộ Y tế Thái Lan dự báo nước này có khoảng 10.000 ca nhiễm mới COVID-19 và hơn 100 ca tử vong mỗi ngày.

Hiện Indonesia và Philippines là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, lần lượt ghi nhận số ca nhiễm lên tối 2.950.058 ca và 1.517.903 ca.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Algeria cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.298 ca mắc COVID-19 mới và 23 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 155.784 người và 3.979 ca tử vong.

Đây là những con số kỷ lục được ghi nhận trong một ngày tính từ khi quốc gia Bắc Phi này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 25/2/2020 đến nay.

Hiện nước này đang thực thi lệnh giới nghiêm từ 23h00-4h00 tại 24 tỉnh thành kéo dài 10 ngày kể từ ngày 20/7.

Ngoài ra, một số biện pháp bổ sung bao gồm: đóng cửa các chợ bán xe củ, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục-thể thao, trung tâm văn hóa thanh thiếu niên; cấm các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng dưới bất kỳ hình thức nào trên phạm vi toàn lãnh thổ; bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội…

Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ tăng cường xử phạt các hành vi không tôn trọng các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19.

Hiện Algeria xếp 10 trong top 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu lục này, xếp sau các nước như (theo thứ tự): Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya, Kenya, Zambia và Nigeria.

Theo Vietnamplus