Trong thông cáo, bà Dorit Nitzan, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Âu, nhấn mạnh: "Hồi kết của đại dịch vẫn còn ở phía trước và đáng buồn là cho đến nay ở khu vực châu Âu đã có hơn 1,2 triệu ca tử vong do Covid-19. Điều quan trọng là các quốc gia phải tiếp tục nỗ lực phối hợp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và những người có nguy cơ bị ảnh hưởng trong đại dịch".
Tờ Financial Times đưa tin, lượng người nhiễm Covid-19 ở một số quốc gia lớn nhất châu Âu vẫn tiếp tục tăng. Ngày 31/7, trung bình Italy ghi nhận 5.300 trường hợp mắc mới, tăng hơn gấp 7 lần so với ngưỡng 726 hồi đầu tháng 7/2021. Biến thể Delta cũng khiến số ca mắc mới ở Pháp tăng mạnh. Số ca nhiễm nCoV mới ở quốc gia này tăng từ 1.900 lên gần 22.000 trường hợp/ngày trong tháng qua.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác ở châu Âu lại có những tín hiệu tích cực trong chiến dịch đẩy lùi dịch Covid-19. Ở Hy Lạp, mức tăng trung bình mỗi ngày được duy trì ở ngưỡng 2.700 ca kể từ giữa tháng 7. Bồ Đào Nha cũng ghi nhận tình trạng tương tự khi số ca mắc mới mỗi ngày được giữ nguyên ở mức 2.230 trường hợp. Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng cao hơn nhiều với trung bình 23.800 trường hợp nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Dẫu vậy, mức tăng này đã giảm đáng kể, từ ngưỡng 27.200 ca mỗi ngày ghi nhận vào ngày 19/7.
Theo bà Nitzan, tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp tại châu Âu, đặc biệt là trong các nhóm dân số ưu tiên như "những người trên 60 tuổi, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn và những người có bệnh lý nền". Tình trạng này có nguy cơ dẫn đến" nhiều trường hợp nhập viện và tử vong hơn".
Bà Nitzan nhấn mạnh, để chấm dứt đại dịch, các quốc gia phải nhanh chóng mở rộng quy mô tiêm chủng một cách công bằng ở tất cả các quốc gia, bao gồm hỗ trợ sản xuất vaccine và chia sẻ liều lượng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương ở mọi quốc gia.
Theo Our World in Data, cho đến nay, đã có hơn 4,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng tại châu Âu.
N.A (Theo Financial Times)