Số người nghèo ở Mỹ Latinh và Caribe tăng lên mức báo động
Cập nhật lúc 23:59, Thứ năm, 08/08/2024 (GMT+7)
Một phần tư dân số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe sống trong các hộ gia đình nghèo, với thu nhập bình quân dưới 6,85 USD/ngày, và xu hướng giảm nghèo ở khu vực đã trì trệ trong 9 năm qua.
|
|
Trẻ em Honduras tại khu vực Ciudad Tecun Uman ở Guatemala, giáp giới Mexico, trong hành trình tới Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), một phần tư dân số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe sống trong các hộ gia đình nghèo, với thu nhập bình quân dưới 6,85 USD/ngày, và xu hướng giảm nghèo ở khu vực đã trì trệ trong 9 năm qua.
Nhìn chung, Mỹ Latinh và Caribe đã nỗ lực giảm tỷ lệ người nghèo xuống 30% trong 15 năm đầu của thiên niên kỷ mới và đây được coi là một thành công đáng chú ý, nhưng quá trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2015 và hiện là một trong những khu vực có tốc độ xóa đói giảm nghèo chậm nhất.
Từ năm 2019 đến năm 2022, nhân khẩu học của người nghèo trong khu vực đã chuyển dịch khỏi các nhóm dễ bị tổn thương truyền thống và tỷ lệ người nghèo thấp hơn ở những người có trình độ học vấn thấp và những người sống ở khu vực nông thôn.
Báo cáo “Xu hướng gần đây về nghèo đói và bất bình đẳng” ước tính rằng tình trạng nghèo đói trong khu vực chỉ giảm 1 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Ủy ban Kinh tế về Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) của Liên hợp quốc cảnh báo rằng nếu chính phủ các quốc gia trong khu vực không triển khai ngày các biện pháp và chương trình phúc lợi xã hội, tỷ lệ nghèo sẽ chỉ giảm nhẹ vào năm 2024 và duy trì ở mức 25%, tương đương với khoảng 165 triệu trong tổng số 663 triệu dân trong khu vực.
Tác động của đại dịch COVID-19 trong khu vực là không giống nhau. Trong khi một số quốc gia đã cố gắng giảm nghèo xuống dưới mức kỷ lục trước đại dịch, thì những quốc gia khác vẫn đang phải vật lộn để quay trở lại mức đó.
Mặt khác, nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục là một trong những khu vực bất bình đẳng nhất nếu xét đến hệ số Gini, thước đo mức độ bất bình đẳng nằm trong khoảng từ 0 - bình đẳng tối đa - đến 100 - bất bình đẳng tối đa.
Theo báo cáo, trong thập kỷ qua, hệ số Gini của khu vực đã dao động trong khoảng từ 50 đến 52, “cho thấy sự thiếu tiến bộ đáng lo ngại.”
Tính đến năm 2022, tỷ lệ đó là 49,9, giảm nhẹ so với mức trước đại dịch.
Nghiên cứu cho rằng sự bất bình đẳng ở Mỹ Latinh và Caribe có thể vẫn ở mức cao trong tương lai gần, với chỉ số Gini vào khoảng 49,7./.
Theo vietnamplus