leftcenterrightdel
 Dhanabal. Ảnh: Sky News

Theo Sky News, Dhanabal tới Anh bằng thị thực du học nhưng chàng trai này luôn có kế hoạch ở lại sau khi thị thực hết hạn. Hiện nay, Dhanabal kiếm sống bằng những công việc được trả tiền mặt. Chàng trai 26 tuổi luôn chờ đợi cuộc gọi từ một người đàn ông bí mật mà cậu gọi là "ông chủ" để nhận việc, từ quét dọn tới xây dựng. 

"Tôi không biết cuộc sống của mình sẽ thế nào khi tới Anh, tôi chỉ muốn rời khỏi Ấn Độ", Dhanabal nói với chất giọng nhẹ nhàng. Cậu cho biết phải trả 7.000 bảng để có thể sang Anh du học. 

Phóng viên của Sky News đã xem bản sao hộ chiếu của Dhanabal và thấy rằng thanh niên Ấn Độ này tới Anh vào năm 2021 bằng thị thực sinh viên và nó đã hết hạn vài tháng trước. 

Dhanabal đã tham gia khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở phía bắc nước Anh khoảng một tháng nhưng thấy nó quá khó. Trường học của Dhanabal cho biết, không thể bình luận gì về các trường hợp cá nhân vì vấn đề bảo mật cho sinh viên. 

Câu chuyện của Dhanabal đã hé mở cái nhìn hiếm có về thế giới của những người ở quá hạn thị thực và phải sống chui lủi ở Anh. 

Năm ngoái, số lượng người di cư tới Anh cao kỷ lục, 606.000 người và chính phủ nước này không có dữ liệu công khai về quy mô những người ở quá hạn thị thực và không trở về nước, Sky News cho biết. 

Vasuki Murahathas, luật sư nhập cư có 24 năm kinh nghiệm ước tính, số cuộc gọi từ những người lưu trú quá hạn gọi cho cô để xin lời khuyên đã tăng 50% trong năm ngoái. Các khách hàng của Vasuki muốn biết cách làm thế nào để có thể chuyển sang thị thực việc làm. Tuy nhiên, cô cho biết, hiện nay việc này rất khó khăn do các quy định của chính phủ Anh và những người ở quá hạn buộc phải "biến mất và lẩn trốn" do không tìm được người bảo trợ.

Nữ luật sư này nói thêm, những người ở quá hạn thị thực thường rơi vào cảnh nghèo đói và phải làm việc được trả lương thấp. 

Vasuki nói: "Một số thực sự rất khổ. Chính phủ Anh cho phép nhiều người nhập cảnh với tư cách là sinh viên và công nhân lành nghề, nhưng có nhiều người đã lạm dụng hệ thống này để vào Anh. Một số người tới Anh biết rõ họ có thể ở quá hạn". 

Dhanabal không phải người duy nhất đang vật lộn để tồn tại sau khi tới Anh bằng thị thực sinh viên và ở quá hạn. Suresh, 35 tuổi, cũng từ Ấn Độ tới Anh bằng thị thực dành cho sinh viên và đã ở đây được 7 năm cho biết, anh không đi học một ngày nào và đang kiếm sống bằng công việc dọn dẹp hoặc làm vườn.

Suresh kể: "Đôi khi mọi người cho tôi thức ăn, cũng có lúc tôi nhận được 10 hoặc 20 Bảng. Thỉnh thoảng tôi dọn dẹp hoặc làm vườn để đổi lấy đồ ăn, quần áo. Không phải ngày nào cũng có việc làm. Cuộc sống khá khó khăn nhưng một ngày nào đó tôi sẽ ổn". 

Bộ Nội vụ Anh cho biết không thể cung cấp dữ liệu chính xác về việc có bao nhiêu người ở quá hạn thị thực trong 3 năm qua. Số liệu thống kê gần đây nhất tính đến tháng 3/2020 cho thấy, có 1,9 triệu thị thực hết hạn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, không có thông tin nào ghi nhận việc 83.600 người trở về nước sau khi thị thực Anh của họ hết hạn. 

Theo vietnamnet