Sống chung không có nghĩa đầu hàng COVID-19
Cập nhật lúc 23:13, Thứ hai, 17/01/2022 (GMT+7)
Nhiều quốc gia trên thế giới không còn xem COVID-19 là kẻ thù cần tiêu diệt, thay vào đó, họ chọn học cách sống chung.
|
|
Sống chung với COVID-19 không phải là đầu hàng trước dịch bệnh, mà là sự thích nghi với cuộc chiến lâu dài - Ảnh: AP |
COVID-19 không còn là kẻ thù của nhân loại
Từ thủ đô Washington (Mỹ) đến Madrid (Tây Ban Nha), Pretoria (Nam Phi), hay Canberra (Úc)… chính phủ các nước dường như đang “giảng hòa” với dịch bệnh theo những cách công khai và tinh tế. Đáng chú ý, ngày nay rất ít quốc gia ngoài Trung Quốc bám vào chiến lược “zero-covid”. Cụm từ thường được nghe hiện nay trên toàn cầu là “sống chung với virus”.
Lập trường mới trên nhận được sự hoan nghênh từ giới khoa học cùng những người đã kiệt sức với tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Nhưng cũng có những chuyên gia lo sợ “con lắc sẽ dao động quá xa” theo hướng mà các chính phủ muốn nhắm đến. Họ lo lắng rằng nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang đánh cược vào một viễn cảnh tương đối lạc quan, có thể khiến dân chúng lơ là các biện pháp nghiêm ngặt vốn giúp hạn chế sự lây lan của mầm bệnh.
Nhà virus học Angela Rasmussen từ Đại học Saskatchewan (Canada) lo ngại về xu hướng nới lỏng quá nhanh: “Tôi hiểu hai năm đại dịch là rất nhiều. Mọi người đều phát ngán với nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chịu thua”. Không một nhà lãnh đạo quốc gia nào nói rằng đã đến lúc từ bỏ cuộc đấu tranh, nhưng họ cũng không theo đuổi chiến lược “đánh bại”, hay “quét sạch virus” mà tiếp tục áp đặt các yêu cầu đeo khẩu trang, tiêm chủng.
Ở một khía cạnh khác, cách nghĩ sai lệch của một số người đã dẫn đến một xu hướng đáng lo ngại. Nhiều video trên TikTok và các bài đăng của người có ảnh hưởng lập luận sai lầm rằng nhiễm virus giúp “đẩy nhanh quá trình” miễn dịch cộng đồng, từ đó tránh nguy cơ bị cô lập kéo dài. Trước những báo cáo về “các buổi tiệc COVID”, nơi người tham gia cố ý lan truyền căn bệnh, tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 tại Tổ chức Y tế Thế giới - nhận định xu hướng này là “nguy hiểm”.
Chưa chắc chắn về giai đoạn kết thúc
Tại Nam Phi, nơi đưa ra cảnh báo đầu tiên về Omicron hồi cuối tháng 11/2021, vào tháng 12/2021, chính phủ đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch với nhận định rằng những lần tiếp xúc virus trước đây đã giúp người dân có đủ khả năng miễn dịch để ngăn ngừa mức độ bệnh nặng đáng kể. Thực tế là làn sóng Omicron ở quốc gia châu Phi này nhanh chóng giảm xuống với tỷ lệ tử vong chỉ bằng 15% mức đỉnh của biến thể Delta. Các nhà khoa học cho rằng một lý do giúp dịch bệnh giảm nhanh chóng là rất nhiều người - gần 80% dân số Nam Phi - đã nhiễm các biến thể trước. Omicron cũng có vẻ ít độc hơn nên một kịch bản lý tưởng là biến thể này làm ca nhiễm tăng đột biến, để lại hàng rào miễn dịch cho các nhóm dân số, giúp họ ít bị tổn thương hơn với các biến chủng khác trong tương lai.
Ngược lại, có những kịch bản khác kém hấp dẫn hơn. Các nhà khoa học hiện không biết khả năng miễn dịch nhờ Omicron kéo dài bao lâu và virus vẫn không ngừng biến đổi. Giới chuyên gia khoa học cảnh báo, Omicron sẽ không phải là phiên bản cuối cùng của SARS-CoV-2. Không ai biết các biến thể tiếp theo sẽ như thế nào hoặc chúng có thể hình thành đại dịch ra sao. Leonardo Martinez - nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston (Mỹ) - nhận định: “Omicron càng lây lan nhanh thì càng có nhiều cơ hội đột biến, từ đấy dẫn đến nhiều biến thể hơn”.
Những gì đã xảy ra cho thấy thế giới khó thực hiện phản ứng thống nhất trên toàn cầu đối với đại dịch mà chủ yếu dựa vào chiến lược của từng quốc gia. Chẳng hạn New Zealand chỉ ghi nhận vài chục ca tử vong do COVID-19 nhờ tận dụng sự cô lập về địa lý. Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc - những quốc gia mà người dân có thói quen đeo khẩu trang - đã kiểm soát được phần lớn đại dịch. Nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và châu Âu chọn tập trung vào tiêm chủng như là chìa khóa để giảm thiểu đại dịch. Nhưng thực tế cho thấy vắc xin hiệu quả nhất là giúp giảm nguy cơ bệnh nặng, chứ không phải ngăn cản COVID-19 lây truyền. Tốc độ lây lan của Omicron đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với hệ thống y tế, và để chống lại áp lực này, chỉ có cách là mọi người tự bảo vệ bản thân, giữ vệ sinh, thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang.
Theo phunuonline