Hai cha con đánh cá trên sông Mekong ở Luang Prabang, Lào - Ảnh: MRC

Ngày 30-6, Ủy hội Sông Mekong (MRC) đã hoàn thành quá trình tham vấn dài 6 tháng đối với dự án thủy điện Luang Prabang 1.460 megawatt ở Lào.

Các quyết định tiếp theo đối với dự án Luang Prabang hoàn toàn do Chính phủ Lào quyết định.

Các quốc gia sông Mekong gồm Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ghi nhận sự hợp tác của Lào trong việc cung cấp thông tin về dự án, nhưng cũng đề nghị nước này cân nhắc bổ sung các khuyến nghị của MRC trước khi xây công trình.

"Cần tiến hành đánh giá thêm tác động môi trường xuyên biên giới của dự án, cân nhắc các kế hoạch và biện pháp giảm thiểu rủi ro. Chiến lược quản lý phù sa và biện pháp khắc phục cần được trình bày rõ ràng", đại diện của Campuchia nêu quan điểm.

"Lào và nhà phát triển dự án nên thành lập một quỹ tài trợ, xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro xuyên biên giới về mặt kinh tế - xã hội, sinh kế và môi trường", đại diện từ Thái Lan đề xuất.

"Tác động cộng dồn của thủy điện Luang Prabang và tất cả các đập trên dòng chính sông Mekong cần phải được đánh giá toàn diện", đại diện Việt Nam góp ý.

Mưa ít, nhiệt độ cao và hệ thống đập thủy điện là các yếu tố khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục thời gian qua - thấp nhất trong 100 năm trở lại đây. 

Trung Quốc là nước kiểm soát phần lớn dòng chảy do nằm ở thượng nguồn.

Tổ chức Sông ngòi quốc tế lưu ý tính đến năm 2019, có 7 đập lớn chắn ngang dòng Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc, ngoài ra còn có 20 đập khác đã lên kế hoạch hoặc đang xây dựng.

Hệ thống các thủy điện trên sông Mekong - Ảnh: ASEAN POST

Hệ thống đập của Trung Quốc cộng với những dự án đã và đang lên kế hoạch ở hạ nguồn Mekong sẽ làm biến đổi đáng kể dòng chảy con sông trong tương lai. Đây cũng là điều mà nhiều nước, trong đó có Việt Nam, quan tâm

Theo tuoitre