Xứ sở Mặt Trời mọc đang trải qua một trong những đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất lịch sử, khi hàng nghìn người phải nhập viện vì sốc nhiệt và các biến chứng liên quan đến thời tiết.
Ngay cả khi đối mặt tình trạng thiếu điện diện rộng, chính phủ Nhật vẫn phải khuyến cáo người dân dùng điều hòa xua tan cái nóng để bảo đảm an toàn tính mạng, theo New York Times.
|
Nhật Bản đang đối mặt sóng nhiệt kỷ lục. Ảnh:Reuters.
|
Nhật Bản bị thiêu đốt
Hôm 2/7, nhiệt độ tại Tokyo là 36 độ C. Đây đã là ngày thứ ba liên tiếp nhiệt độ ở thủ đô Nhật Bản vượt ngưỡng 35 độ C, điều chưa từng có kể từ năm 1875 khi nhiệt độ bắt đầu được ghi chép lại. Và Tokyo không phải nơi duy nhất hứng chịu sóng nhiệt.
Cái nóng thiêu đốt cũng được ghi nhận tại hàng loạt thành phố khắp Nhật Bản. Tại Isesaki thuộc tỉnh Gunma, nhiệt độ lên đến 40 độ C, kỷ lục trong lịch sử Nhật Bản.
Cái nóng đã gây ra một số trường hợp tử vong, cũng như làn sóng nhập viện do kiệt sức và sốc nhiệt.
Theo Cơ quan Quản lý khủng hoảng và hỏa hoạn Nhật Bản, hơn 4.500 người với các triệu chứng liên quan đến nhiệt độ đã phải nhập viện bằng xe cứu thương chỉ trong vài ngày vừa qua. Con số này cao gấp 4 lần trung bình mọi năm.
Đa phần nạn nhân nhập viện là người từ 65 tuổi trở lên. Người già, đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chiếm tới hơn 36% trong tổng số 126 triệu dân của Nhật Bản.
|
Nhiệt độ tại Nhật Bản xác lập mức kỷ lục 40 độ C trong tuần qua. Ảnh:Reuters.
|
Trong một tuần qua, nhà chức trách đã phát đi cảnh báo nhiệt, khuyến cáo người dân ở trong nhà tối đa có thể, cũng như sử dụng ô để tự bảo vệ bản thân khi ra đường.
Giới chức Nhật Bản cũng khuyến cáo người dân không đeo khẩu trang khi tham gia nhiều hoạt động ngoài trời để giảm nguy cơ sốc nhiệt và kiệt sức.
"Tôi đề nghị người dân tháo khẩu trang khi đi bộ, chạy bộ và đạp xe đi làm", Seiji Kihara, phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản, khuyến cáo người dân hôm 1/7.
Hôm 27/6, Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết mùa mưa ở Tokyo, cũng như khu vực miền Đông và miền Trung Nhật Bản, đã kết thúc, khiến 2022 trở thành năm mùa mưa chấm dứt sớm nhất kể từ 1951 khi số liệu được thống kê.
Từ cuối tuần trước, Nhật Bản đã nằm dưới sự ảnh hưởng của một vùng áp cao mạnh, tác nhân gây ra sóng nhiệt hiện nay. Tình thế này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới, thậm chí kéo dài hơn.
Mùa mưa tại Nhật Bản thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7. Năm nay, mùa mưa chỉ kéo dài 21 ngày, ngắn hơn so với trung bình 3 tuần. Bởi thời tiết khô hạn bất thường, nhiệt độ tại nhiều nơi đã vọt lên trên 35 độ C.
"Tuần trước, Tokyo trải qua chuỗi 4 ngày nhiệt độ trên 35 độ C, lần đầu tiên trong lịch sử của tháng 6. Hơn 550 kỷ lục nhiệt độ của tháng đã bị phá vỡ trên khắp Nhật Bản", Sayaka Mori, chuyên gia khí tượng Nhật Bản, cho biết.
Bật điều hòa nhưng tắt mọi thiết bị khác
Tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ Nhật Bản phát đi khuyến nghị về sử dụng điện.
Chính phủ Nhật Bản đề nghị người dân bật điều hòa để giữ an toàn cho sức khỏe bản thân, nhưng đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình giảm tiêu thụ điện trong thời gian 15-18h hàng ngày.
Người lao động tại các cơ quan nhà nước ở khu đô thị Tokyo được đề nghị làm việc trong bóng tối. Các siêu thị khắp cả nước đã tắt đèn điện trong các kho lạnh. Ở các cửa hàng gia dụng, đồ điện trưng bày đã rút phích cắm.
"Tất cả đèn điện tại văn phòng của tôi đã tắt. Chúng tôi làm việc trong bóng tối", Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cho biết.
Bà Koike đề xuất cư dân đặt nhiệt độ tủ lạnh ở mức cao hơn và tắt nắp bồn cầu sưởi phổ biến ở Nhật Bản. (“Trong những trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể tắt nắp bồn cầu sưởi đi”, thị trưởng Tokyo nói).
|
Các công sở ở Tokyo làm việc trong bóng tối để tiết kiệm điện. Ảnh:Reuters.
|
Hôm 30/6, nhà máy điện sinh học Nakoso ở tỉnh Fukushima dừng hoạt động tạm thời do vấn đề kỹ thuật. Cơ sở này cung cấp điện cho một khu vực rộng lớn ở miền Đông Nhật Bản, bao gồm khu vực thủ đô. Sự cố đã khiến nhiệt độ ở Tokyo tăng lên gần 37 độ C.
Thiếu điện đã là một thách thức với chính phủ Nhật Bản kể từ tháng 3 sau khi trận động đất ở vùng Đông Bắc đất nước khiến một số nhà máy điện dừng hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ 2011.
Bộ Kinh tế Nhật Bản cho biết chênh lệch giữa nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng sản xuất điện đang ở mức "trầm trọng".
Ngành năng lượng Nhật Bản đang trong thời kỳ dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng, loại nhiên liệu khó tích trữ và bảo quản. Khí tự nhiên hóa lỏng đã trở nên ngày càng đắt đỏ hơn sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đến nay, phần lớn các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản vẫn đang đóng cửa sau thảm họa kép ở Fukushima năm 2011. Nhật Bản cũng đang dần loại bỏ nhiệt điện sử dụng than nhằm cắt giảm phát thải khí CO2.
Để giảm chi phí năng lượng và tiết kiệm điện, Thủ tướng Fumio Kishida đã giới thiệu một hệ thống giải thưởng để khuyến khích các hộ gia đình giảm tiêu thụ điện.
Tuần trước, chính phủ cho biết sẽ tặng thưởng trị giá 15 USD cho các hộ gia đình nếu họ đồng ý tham gia chương trình tiết kiệm điện.
Trên Twitter, một số người cho biết họ đã tìm ra cách đối phó với sóng nhiệt đang thiêu đốt cả nước. Yoko Koguchi, một chính trị gia tại Tokyo, cho biết các buổi tập thể thao của con gái bà đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, hai mẹ con dành thời gian đi hiệu sách hoặc nhà hàng.
La Nina được cho là nguyên nhân chính gây ra sóng nhiệt kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới năm nay, trong đó có Nhật Bản. La Nina làm thay đổi các luồng khí, khiến vùng áp cao đặc thù ở Thái Bình Dương mở rộng về phía Bắc và hiện bao trùm Nhật Bản.
Theo Zing