|
|
Cô gái Hàn Quốc bị sát hại ở toilet công cộng sau thời gian bị nghi phạm đeo bám. Ảnh:Yonhap. |
Kim (ngoài 30 tuổi), nhân viên văn phòng ở tỉnh Gyeonggi, đã mua một thiết bị báo động và bình xịt hơi cay để phòng thân sau khi đọc báo về vụ giết người ở ga tàu điện ngầm vào tuần trước.
"Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của vụ việc tương tự vào bất cứ khi nào, vì vậy tôi quyết định mang theo đồ phòng thân. Sự việc kinh hoàng như vừa rồi có thể xảy ra ở một khu vực sầm uất như thế, tôi cần tự đảm bảo an toàn cho bản thân", Kim nói với Korea Times.
Kwon, một nhân viên văn phòng khác ở Gyeonggi, cho hay cô cũng bắt đầu mang theo bình xịt hơi cay và súng bắn điện trên đường đi làm vào mỗi buổi sáng. Cô nghe về tình trạng tội phạm bạo lực, quấy rối tình dục nhắm vào phụ nữ trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày và cảm thấy "không an toàn khi không có công cụ tự vệ kể từ vụ giết người ở ga Sindang".
Kwon cũng đã kích hoạt lại chức năng SOS khẩn cấp trên đồng hồ thông minh, cho phép gọi một số liên lạc khẩn cấp chỉ bằng một lần nhấn nút. Nữ nhân viên văn phòng còn bắt đầu đi giày thể thao thay vì giày cao gót để có thể dễ dàng chạy thoát thân.
|
|
Jeon đeo bám, rình rập nạn nhân trong thời gian dài sau khi bị từ chối hẹn hò. Ảnh:Yonhap. |
Ngoài Kim và Kwon, không ít phụ nữ Hàn Quốc cũng đang có nỗi lo tương tự về sự an toàn của bản thân và tìm đến các loại công cụ tự vệ. Các món đồ như bình xịt hơi cay, dùi cui, còi báo động khẩn cấp, tay đấm thép, súng bắn điện cầm tay được bán sẵn với giá từ 7.000 đến 30.000 won trên mạng.
Nhân viên của một trang web bán công cụ tự vệ cho biết doanh số bán hàng đã tăng gần gấp đôi kể từ vụ giết người ở ga tàu điện ngầm. Trên trang web, nhiều khách hàng để lại chia sẻ sau khi mua hàng, cho hay bản thân cảm thấy không an toàn khi đi quanh khu phố vào ban đêm hoặc sợ sẽ có ai đó bám theo vào thang máy, nhà vệ sinh công cộng và làm hại mình.
Nhân viên này còn cho hay tỷ lệ giới tính khách hàng mua các sản phẩm trên trang web gần ở mức 50:50, nhiều nam giới cũng mua công cụ tự vệ tặng các thành viên nữ trong gia đình hoặc bạn gái.
|
|
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy sợ hãi, lo lắng cho an toàn của bản thân sau vụ giết người. Ảnh:AFP. |
Trên mạng xã hội, các bài viết hướng dẫn sử dụng các mặt hàng này cũng được lan truyền. Một người dùng mạng gợi ý sử dụng đèn pin siêu sáng vì tính hiệu quả và an toàn, giúp nạn nhân có thể câu giờ để bỏ chạy đồng thời làm kẻ tấn công mất phương hướng mà không khiến hắn bị thương, tránh trường hợp bất lợi sau này.
Ngày 14/9, vụ việc cô gái 28 tuổi bị nam đồng nghiệp sát hại dã man tại nhà vệ sinh ga tàu điện ngầm Sindang (Seoul) khiến dư luận phẫn nộ. Kẻ tấn công là Jeon Joo Hwan (31 tuổi), đã chờ hơn một giờ bên ngoài nhà vệ sinh, đeo găng tay và đội mũ tắm dùng một lần, bám theo nạn nhân vào trong và đâm cô đến chết.
Vụ án xảy ra chỉ một ngày trước khi Jeon phải hầu tòa vì tội rình rập và theo dõi nạn nhân. Từ năm 2019, cả hai làm việc chung tại Seoul Metro, Jeon từng gọi nạn nhân hơn 300 lần để cầu xin cô hẹn hò và đe dọa làm hại nếu cô từ chối. Sau đó, cô gái đã 2 lần nộp đơn kiện Jeon với cáo buộc rình rập, quay lén song nghi phạm chưa bao giờ bị giam giữ hoặc chịu lệnh cấm.
Theo zingnews