|
|
Một người đàn ông viết thư tưởng niệm tại ga Sindang, Seoul, Hàn Quốc, nơi một phụ nữ bị đâm tử vong bởi kẻ theo dõi cô |
Vụ sát hại người phụ nữ trong phòng tắm ở ga tàu điện ngầm nơi cô làm việc hồi đầu tháng 9 đã gây chấn động Hàn Quốc. Sự việc diễn ra một ngày trước khi kẻ tấn công tên Jeon Joo-hwan (31 tuổi) bị kết án tội rình rập.
Nạn nhân 28 tuổi, giấu tên, bị đâm nhiều nhát sau khi kết thúc ca làm việc buổi tối tại ga Sindang, ngay trung tâm Seoul.
Jeon được cho là đã bị bắt giữ bởi các nhân viên nhà ga khác. Họ chạy đến hiện trường sau khi người phụ nữ kích hoạt chuông báo động trong phòng tắm. Cô ấy sau đó đã chết trong bệnh viện vì vết thương quá nặng.
Báo chí Hàn Quốc cho biết Jeon bắt đầu quấy rối người phụ nữ khi cả hai cùng làm việc cho Seoul Metro vào năm 2019. Anh ta được cho là đã gọi cho cô hàng trăm lần để cầu xin cô hẹn hò và đe dọa sẽ làm hại cô nếu cô từ chối.
Sau khi nạn nhân trình báo Jeon vào tháng 10/2021, anh ta đã bị sa thải và bị bắt giữ, nhưng được tại ngoại. Giống như nhiều nghi phạm rình rập khác, anh ta không phải chịu lệnh cấm tiếp xúc.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nhóm cảnh sát và các chuyên gia cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi thừa nhận mức độ nghiêm trọng và mức độ tàn ác của tội ác này”.
Jeon đã bị bắt vì tội giết người, và phán quyết về bản cáo trạng rình rập của anh ta bị hoãn lại cho đến ngày 29/9.
Cái chết của người phụ nữ đã gây ra sự tức giận, với dư luận cho rằng chính quyền Hàn Quốc không nghiêm túc trong việc xử lý hành vi bạo lực đối với phụ nữ.
Bộ trưởng Bộ Gia đình và Bình đẳng giới của Hàn Quốc Kim Hyun-sook, đã bị chỉ trích nặng nề sau khi bà nói rằng bản thân không tin vụ sát hại người phụ nữ là một tội ác thù hận dựa trên cơ sở giới. Các nhà vận động quyền phụ nữ chỉ ra rằng gần 80% nạn nhân bị rình rập ở Hàn Quốc là phụ nữ.
Phát biểu trước quốc hội trong tuần này, bà Kim càng làm dấy lên cơn thịnh nộ khi cho rằng tội ác có thể đã được ngăn chặn nếu nạn nhân tìm kiếm lời khuyên từ đường dây trợ giúp của Bộ và thực hiện các biện pháp ngăn chặn khác.
Luật chống rình rập với mức án tối đa ba năm tù được thông qua vào tháng 10/2021 đã bị lên án là thiếu sót, vì nó chỉ cho phép cảnh sát hành động khi có sự đồng ý của nạn nhân. Theo các nhà phê bình, kẽ hở đó tạo cơ hội cho những kẻ rình rập gây áp lực buộc nạn nhân của họ phải rút đơn khiếu nại.
Kể từ khi luật có hiệu lực, cảnh sát đã thực hiện 7.152 vụ bắt giữ vì tội rình rập, nhưng chỉ 5% số nghi phạm bị bắt giam.
Bộ Tư pháp được cho là đang xem xét loại bỏ yêu cầu về sự đồng ý từ nạn nhân, nhưng các nhà phê bình đã chỉ ra rằng một động thái tương tự đã bị đình trệ tại quốc hội suốt hơn một năm, một phần do sự phản kháng từ Bộ Tư pháp, vốn lập luận rằng biện pháp chống theo dõi mới đã đủ tính răn đe.
Theo Korea Herald, trước khi luật mới được áp dụng, hành vi rình rập, bám đuôi bị coi là tội nhẹ ở Hàn Quốc và chỉ bị phạt một khoản tiền khiêm tốn.
Nhưng bây giờ áp lực đang đè nặng lên tổng thống Yoon Suk-yeol, nhằm tăng cường luật pháp trong bối cảnh bằng chứng cho thấy việc rình rập, đeo bám thường dẫn đến những tội ác nghiêm trọng hơn.
Một báo cáo gần đây của Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho thấy gần 4/10 vụ án giết người vì tình cảm có liên quan đến hành vi rình rập, đeo bám.
Vụ án giết người đã nêu bật cuộc chiến của Hàn Quốc chống lại tội phạm trên cơ sở giới. Quốc gia này đi đầu trong phong trào #MeToo ở châu Á, một phần để đối phó với đại dịch molka – những cảnh quay lén hầu như luôn nhắm vào phụ nữ - và thể hiện sự tức giận vì chính quyền đã không làm đủ để trừng phạt những kẻ phạm tội.
Theo phụ nữ TPHCM