Tài trợ vắc xin thiếu hụt, các nước đang phát triển lãnh đủ
Cập nhật lúc 23:07, Thứ ba, 22/06/2021 (GMT+7)
Các nước đang phát triển hiện có số người tử vong trên toàn cầu vì COVID-19 lên tới 85% và đang tiếp tục tăng, cao hơn nhiều so với các nước có thu nhập cao. Trong khi đó, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, tỷ lệ tử vong ở các nước giàu đã giảm từ 59% xuống còn 15% trên toàn thế giới, mức thấp nhất từ khi đại dịch bùng nổ đến nay.
Tài trợ vắc xin thiếu hụt, các nước đang phát triển lãnh đủ - Minh họa: The Atlantic
Trong khi những người Mỹ đã được tiêm phòng đang tìm hiểu về chuyến nghỉ hè thú vị ở châu Âu, thì người dân Ấn Độ - chưa được tiêm vắc xin – đang tìm kiếm các mẹo để sống sót qua đại dịch.
Tạp chí The Atlantic của Mỹ hôm 20/6 đã có bài viết của nhóm tác giả phân tích về tình hình tài trợ vắc xin COVID-19 của các nước phương Tây và hậu quả của việc này đối với các nước đang phát triển. Đáng chú ý, một trong hai tác giả là Chelsea Clinton – ái nữ của cựu Tổng thống Bill Clinton – hiện là trợ giảng tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia và là phó chủ tịch của Quỹ Clinton.
Theo bài viết, các ca nhiễm mới COVID-19 không chỉ tăng cao ở Ấn Độ, mà còn được ghi nhận ở các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. Để đối phó với thách thức, tại cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần trước ở Vương quốc Anh, lãnh đạo các nước G7 đã công bố cam kết nâng số lượng vắc xin quyên góp tập thể của họ lên 1 tỷ liều trong hai năm 2021 và 2022, chủ yếu thông qua COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì để đảm bảo phân phối bình đẳng vắc xin trên toàn cầu.
Một nửa số liều mới được hứa hẹn sẽ đến từ thỏa thuận của chính phủ Hoa Kỳ với Pfizer, trong đó 200 triệu liều sẽ được cung cấp vào cuối năm nay và 300 triệu liều trong thời gian tới. Tin tức này được đưa ra sau quyết định trước đó về việc Hoa Kỳ tặng 80 triệu liều vắc xin từ kho dự trữ trong vài tuần tới.
Thế giới đang cần khoảng 10 tỷ liều vắc xin được cung cấp càng nhanh càng tốt. Nếu chỉ dựa vào hoạt động từ thiện hoặc các nhà sản xuất hiện hữu thì không thể sản xuất đủ số liều vắc xin cần thiết. COVAX từng hứa sẽ gửi 2 tỷ liều vắc xin đến các nước tham gia chương trình trong năm nay, nhưng 6 tháng sau, nó chỉ giao được 81 triệu liều. Tất cả bốn nhà sản xuất vắc xin phương Tây hiện nay — Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (J&J) và AstraZeneca — đã phải vật lộn để khắc phục các vấn đề sản xuất và đáp ứng các cam kết của họ với các nước giàu, gạt bỏ trách nhiệm làm bất cứ điều gì cho các nước nghèo.
Nếu chỉ dựa vào hoạt động từ thiện hoặc các nhà sản xuất vắc xin hiện hữu thì không thể sản xuất đủ số liều vắc xin cần thiết - Ảnh: Getty Images
“Tài trợ cho COVAX không phải là vấn đề, 9,6 tỷ đô la được một loạt các nước giàu cam kết như vậy”, Ayoade Alakija, người đứng đầu Tổ chức phân phối vắc xin của Liên minh châu Phi, khẳng định. Cô giải thích: “Vấn đề là COVAX, giống như bất kỳ ai khác, không có khả năng tiếp cận nguồn cung cấp vắc xin ngay lập tức. Việc dựa vào các dự đoán giao hàng “trên trời” của các công ty dược phẩm lớn cũng không phải là câu trả lời. Chúng tôi cần các nước giàu chia sẻ các liều vắc xin ngay lập tức và mở cửa sản xuất vắc xin cho tất cả những người có khả năng làm điều này”.
WTO công bố ngày 3/12/2021 là ngày họ hy vọng đề xuất miễn bằng sáng chế sẽ được hoàn tất, nhưng cuối năm nay là quá muộn để bắt đầu sản xuất thêm vắc xin ở các nước khác.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác cần phải đầu tư vào vắc xin có ích cho thế giới và họ có đủ khả năng để làm điều đó. Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho vắc xin J&J và Moderna; chính phủ Vương quốc Anh hỗ trợ đáng kể cho AstraZeneca; và chính phủ Đức đã tài trợ cho Pfizer và BioNtech. G7 phải cho thế giới cơ hội để được tiêm chủng.
Theo phunuonline