|
|
Dù hứa hẹn đủ điều lúc mới lên nắm quyền, hiện Taliban ngày càng đưa ra nhiều sắc lệnh hạn chế quyền của phụ nữ, trong đó bắt họ phải che mặt. Ảnh: Reuters. |
Sadat, một người phụ nữ Afghanistan, cho biết cô cảm thấy như tù nhân trong chính căn nhà của mình. Giờ đây cô phải sống dưới sự giám sát của người thân là nam giới và mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn.
Mỗi ngày, cô chứng kiến giới cầm quyền mới của đất nước tước bỏ quyền và hạn chế sự tự do của cô.
“Trước đó, tôi có thể tự trang trải phí sinh hoạt vì tôi có công việc văn phòng”, cô gái 24 tuổi nói. “Nhưng bây giờ tôi chỉ có thể ngồi nhà mà không có thu nhập”.
Đối với Taliban, không có nhiều sự thay đổi trong cách lực lượng này nắm quyền vào năm 2001 và tháng 8/2021. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn với những người phụ nữ Afghanistan, theo Nikkei Asia.
"Chúng tôi không sợ Taliban"
Vào ngày 7/5, Cơ quan Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Hành vi xấu của Taliban công bố dự thảo “khuyên” phụ nữ và trẻ em gái ở nhà. Nếu bước ra ngoài, họ phải che toàn bộ cơ thể, lý tưởng nhất là mặc bộ đồ chỉ để lộ đôi mắt.
Nếu phụ nữ và trẻ em gái không tuân theo nguyên tắc này, người thân là nam giới, hoặc người giám hộ nam, sẽ bị phạt hoặc bỏ tù.
Thủ lĩnh tối cao của Taliban, Hibatullah Akhundzada, đã thông qua sắc lệnh này. Một quan chức Taliban nói họ chỉ đang “thực thi mệnh lệnh của thượng đế”. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ Afghanistan xem khăn che mặt như một phương tiện khác để kiểm soát họ.
"Hijab (khăn trùm đầu) là trang phục bắt buộc trong Hồi giáo, nhưng không nhất thiết phải che toàn bộ khuôn mặt và bàn tay", Sadat nói. "Tôi là phụ nữ Hồi giáo trước khi Taliban đến và tôi luôn là phụ nữ Hồi giáo”.
Trong thời gian cai trị từ năm 1996-2001, Taliban đã thực thi những hạn chế tương tự với trang phục của phụ nữ, đồng thời cấm nữ sinh đến trường.
Sau khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan, các quy tắc hà khắc và phân biệt giới tính đã bị bãi bỏ. Phụ nữ và trẻ em gái bắt đầu có nhiều quyền hơn, bao gồm cả quyền được học hành.
Sadat từng làm việc cho một công ty du lịch do Đại sứ quán Ấn Độ ủy quyền. Cô có kế hoạch học tập ở Ấn Độ và nhận được thị thực vào ngày 15/8/2021, cùng ngày Taliban trở lại nắm quyền. Hai ngày sau, New Delhi đã hủy bỏ thị thực của cô với lý do an ninh.
Cô nói rằng thay vì áp đặt các biện pháp kiểm soát phụ nữ, Taliban nên thúc giục đàn ông thay đổi hành vi nếu mục đích của các quy tắc là ngăn nam giới rơi vào cám dỗ.
"Che kín có ý nghĩa gì nếu trái tim và tâm trí họ (đàn ông) bị vấy bẩn”, cô khẳng định.
Vào ngày 10/5, phụ nữ Kabul đã xuống đường để phản đối quy định, cầm các biển báo và hô khẩu hiệu. Nhưng Taliban đã bao vây nhóm và lên án họ vì chính quy tắc mà họ đang phản đối - ra khỏi nhà mà không mặc trang phục "phù hợp". Một nguồn tin cho hay những người phụ nữ này nhận cáo buộc “bị ảnh hưởng từ phương Tây”.
Nhưng bất chấp việc phụ nữ ngày càng bị áp bức, những người biểu tình nói họ “không sợ Taliban hay những đòn trừng phạt”.
"Chúng tôi có thể giữ im lặng trong bao lâu”, một người nói. "Chúng tôi cần đấu tranh cho thế hệ tiếp theo và phụ nữ trong các ngôi làng, những người không thể cất lên tiếng nói của mình".
Người phát ngôn của Cơ quan đạo đức Mohammad Sadiq Akif bác bỏ cáo buộc rằng Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (cách Taliban xưng) tước bỏ quyền của phụ nữ, bao gồm cả quyền biểu tình.
“Phụ nữ có quyền phản đối nhưng không nên vi phạm bất kỳ quy tắc nào của đạo Hồi khi làm điều đó”, ông nói với Nikkei. "Nhiệm vụ của chúng tôi là thực thi các hành động được cho phép theo luật Sharia và ngăn chặn những thứ bị cấm".
Khi được hỏi về lời hứa bảo vệ quyền tự do dân sự của mọi công dân Afghanistan, bao gồm cả phụ nữ, ông Akif lập luận yêu cầu che kín cơ thể hoặc đội khăn trùm đầu không vi phạm quyền của phụ nữ. Ông khẳng định “mệnh lệnh của đấng tối cao phải được tất cả người Hồi giáo tuân theo”.
Sắc lệnh không đề cập tới burqa (trùm toàn bộ cơ thể, có lưới ở mắt), nhưng phụ nữ không được mặc trang phục quá bó sát để lộ thân hình và cũng không quá mỏng để lộ một phần cơ thể, ông Akif nói.
|
|
Người dẫn chương trình trên sóng Tolo TV ở Kabul hôm 22/5 phải đeo khăn che mặt vì là nữ. Ảnh: Reuters. |
"Tôi giống như một tù nhân"
Taliban bị chỉ trích rộng rãi bên ngoài Afghanistan.
Tổ chức Ân xá Quốc tế viết trên Twitter hôm 8/5 rằng “hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái phải chịu phân biệt đối xử có hệ thống trên cơ sở giới kể từ ngày 15/8/2021”, bất chấp Taliban hứa tôn trọng quyền của họ.
Tuy nhiên, ông Akif cho rằng cộng đồng quốc tế nên cho phép Afghanistan đặt ra các quy tắc của riêng mình.
"Thế giới tôn trọng luật lệ của mỗi quốc gia là lẽ thường tình. Vậy tại sao lại không tôn trọng luật lệ của chúng tôi?", ông nói. “Nếu họ có thể chấp nhận các quy tắc của Arab Saudi ở Arab Saudi, các quy tắc của Iran ở Iran, thì họ cũng nên chấp nhận các quy tắc của Afghanistan ở Afghanistan”.
Hãng thông tấn nhà nước Bakhtar News cho biết sắc lệnh sẽ thực hiện theo từng giai đoạn.
Đối với những phụ nữ trẻ như Sadat - người biết đến một Afghanistan tự do và dân chủ hơn vào năm ngoái, quá trình chuyển đổi trở lại chế độ cai trị của Taliban trở nên đặc biệt khắc nghiệt.
"Rõ ràng họ chỉ tập trung vào phụ nữ. Cuộc sống của chúng tôi quá khó khăn khi chính phủ mới nắm quyền với những quy định vô lý của họ", cô nói. "Tôi chắc chắn tương lai của chúng tôi sẽ bị hủy hoại bởi những ý tưởng phi lý. Tôi không còn quyền gì nữa. Tôi cảm thấy mình giống như một tù nhân".
Theo zingnews