Nữ sinh sẽ trở lại trường vào tháng Ba?

Hôm thứ Bảy (15/01), phát ngôn viên của Taliban cho biết, họ hy vọng có thể mở tất cả các trường học cho nữ sinh trên cả nước sau cuối tháng Ba, đưa ra mốc thời gian đầu tiên cho cộng đồng quốc tế về vấn đề học tập của trẻ em gái.

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào giữa tháng 8/2021, hầu hết trẻ em gái từ lớp 7 trở lên ở nước này không được tiếp tục đến trường. Cộng đồng quốc tế miễn cưỡng công nhận chính quyền do Taliban điều hành, cảnh báo rằng Taliban có thể áp dụng các biện pháp khắc nghiệt tương tự như như 20 năm trước. Vào thời điểm đó, phụ nữ bị cấm đi học, làm việc và xuất hiện những nơi công cộng.

Theo Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Chính phủ Afghanistan kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin của Taliban, Bộ giáo dục đang tìm cách mở lớp học cho tất cả trẻ em gái và phụ nữ sau Tết ở Afghanistan, bắt đầu từ ngày 21 tháng 3. "Chúng tôi không phản đối giáo dục. Ở nhiều tỉnh trên cả nước, các trường nữ sinh vẫn mở. Một số có nơi đóng cửa là do khủng hoảng kinh tế và vấn đề cơ cấu tổ chức quá tải. Chúng tôi cần phải xử lý điều này và thiết lập một thủ tục mới", Mujahid nói và nhấn mạnh Taliban đang cố gắng giải quyết các vấn đề để các trường trung học và đại học có thể mở cửa trong 2 tháng nữa.

Taliban hứa sẽ mở cửa trường học cho nữ sinh vào tháng Ba - Ảnh 1.

Phát ngôn viên của Taliban cho biết họ hy vọng có thể mở tất cả các trường học cho nữ sinh trên cả nước sau cuối tháng Ba

Mujahid cũng cho biết, trở ngại lớn nhất là việc tìm kiếm hoặc xây dựng đủ ký túc xá cho nữ sinh. Ở những khu vực đông dân cư, không có đủ phòng học riêng cho nam sinh và nữ sinh, đồng thời lưu ý cần phải có trường học riêng biệt cho nam và nữ. "Chúng tôi không thiếu nhân lực hay nguồn nhân lực, chúng tôi cần sự hợp tác kinh tế cho người dân Afghanistan, chúng tôi cần hợp tác thương mại, chúng tôi cần thiết lập quan hệ ngoại giao tốt với các nước khác", phát ngôn viên nói thêm Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo.

Các chính sách của Taliban cho đến nay đều không đồng nhất, thay đổi theo từng tỉnh. Trẻ em gái ở các trường do nhà nước quản lý từ lớp 7 trở lên không được đi học, ngoại trừ khoảng 10 trong số 34 tỉnh của đất nước. Tại thủ đô Kabul, các trường đại học tư thục và trung học vẫn tiếp tục hoạt động không bị gián đoạn. Hầu hết các trường này đều nhỏ và lớp học luôn được tách biệt.

Những trở ngại của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan

Một học sinh trung học bày tỏ nghi ngờ với lời hứa của Taliban: "Tôi không nghĩ họ sẽ mở cửa trường nữ sinh vì họ đã nói rất nhiều điều nhưng vẫn không thực hiện. Nếu Taliban thực sự mở lại trường học thì đó là một điều tốt nhất với nữ sinh".

"Việc mở lại các trường nữ sinh là một điều tốt, nhưng Taliban cần phải kiên định với lời hứa của mình. Những lời nói này không nên chỉ nhằm mục đích giữ vững lập trường", nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Fatima Rae ở Kabul nói. Cô nói thêm một trở ngại lớn với trẻ em gái ở Afghanistan là được yêu cầu chỉ nên ra khỏi nhà khi có mahram (người giám hộ nam) đi cùng và đó có thể là một thách thức cho học tập, làm việc và cả những quyền tự do cơ bản như đi lại của trẻ em gái và phụ nữ.

Trong một chỉ thị được ban hành vào tháng 12/2021 của chính quyền Taliban, phụ nữ Afghanistan không được phép di chuyển đường dài nếu không có nam giới hộ tống, đặc biệt người này phải là họ hàng thân cận. Bộ Khuyến khích Đức hạnh và Phòng ngừa thói xấu cũng yêu cầu các chủ phương tiện giao thông không cung cấp bất cứ dịch vụ di chuyển nào cho phụ nữ không đeo khăn trùm đầu Hồi giáo.

Theo nhà hoạt động nữ quyền Rae, một vấn đề khác là việc làm đối với phụ nữ. Cô nói: "Nếu phụ nữ không được phép đi làm, thì việc học hành là vô nghĩa".

Trong khi đã cấm phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, Taliban vẫn chưa công bố các lĩnh vực khác chính thức bị cấm ở phụ nữ. Hôm thứ Hai (03/01), Liên Hợp Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Taliban đang "thể chế hóa phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới trên quy mô lớn và có hệ thống đối với phụ nữ và trẻ em gái". Một nhóm các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết họ lo ngại về "những nỗ lực có hệ thống nhằm loại trừ phụ nữ khỏi các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị trên khắp đất nước".

Kim Ngọc