"Chúng tôi có chung một dòng máu đỏ, đau chung nỗi đau con người"

Như mọi năm, Quốc tế phụ nữ là ngày chị em được tôn vinh dù đang sinh sống ở bất cứ đâu. Nhưng năm nay, chị Nguyễn Ngọc Nga (TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) cùng các chị em là những cô dâu Việt sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ quyết định dùng toàn bộ kinh phí tổ chức tiệc mừng để tặng quà cho những người dân đang mất hết nhà cửa sau động đất.

Chia sẻ qua những cuộc điện thoại xuyên biên giới, tôi được biết chị Nga hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2022, nhưng ngay sau khi động đất xảy ra, Hội đã có kế hoạch phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm thông tin của những người Việt đang sinh sống tại khu vực bị động đất, lên kế hoạch kêu gọi quyên góp và trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà ủng hộ đồng hương cũng như những gia đình gặp nạn sau biến cố.

Ở tâm động đất, có 7 cô dâu người Việt sinh sống nhưng thật may mắn, không một ai gặp nạn" - Ngọc Nga 

Cùng đồng hành với chị Nga lần này ngoài các hội viên đang sinh sống rải rác ở các tỉnh thành khác trên lãnh thổ nước bạn còn có 7 chị em, ngày ngày vượt hàng trăm cây số đi thực hiện công tác thiện nguyện. Chị Nga cho biết: "Phụ nữ ở đây lấy chồng theo đạo Hồi phải sống theo rất nhiều nguyên tắc, trước giờ họ thường chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, hiếm khi ra ngoài. 

Vì thế, khi tham gia sinh hoạt Hội đồng hương và hoạt động xã hội thế này, nhiều chị em phải đi những chuyến tàu, chuyến xe từ rất sớm, thậm chí phải đưa cả con theo. Việc đi lại lúc này ở vùng động đất Thổ Nhĩ Kỳ tuy không quá khó khăn, nhưng đặc thù đường xa, tiết trời có khi xuống âm độ, các điểm trợ giúp thiếu thốn nhiều thứ nên chị em đi làm tương đối vất vả.

Có những bạn ở các tỉnh lân cận cũng cố gắng tham gia cùng chúng tôi mỗi ngày như vậy rồi trở về nhà lúc 5 giờ chiều để chu toàn việc gia đình. Thế mới thấy, phụ nữ Việt Nam dù ở trời Á hay đất Âu, vẫn đảm đang, tháo vát như vậy".

Đây là 1 trong số rất nhiều gia đình mất đi nhà cửa, người thân, tai nạn sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

"Ở đây chúng tôi chỉ có chung một dòng máu đỏ, đau chung nỗi đau con người” -Trúc Loan Karaman 

Nói về động lực để thực hiện công việc hết sức khó khăn này, chị Trúc Loan Karaman (TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) khẽ chùng xuống. "Mình là người con của miền Trung. Ở quê hương có năm nào mà bà con, gia đình mình không chạy lụt. Bởi vậy, mình thấu hiểu hơn ai hết những nỗi đau thương mất mát của người dân ở đây. Huống hồ, nếu so với thảm họa lần này tại Thổ Nhĩ Kỳ, mình thực sự vẫn cảm thấy bản thân và gia đình may mắn hơn họ rất nhiều, vì thế không phân biệt nước Việt hay nước Thổ, cũng chẳng phân biệt da trắng hay da vàng, ở đây chúng tôi chỉ có chung một dòng máu đỏ, đau chung nỗi đau con người."

Cuộc trò chuyện của mấy chị em chúng tôi thông qua màn hình điện thoại bỗng lặng đi. Tôi cảm nhận ở họ tình người rất chân thật mà có lẽ chỉ những dân tộc từng trải qua đau thương, mất mát như Việt Nam mới thấu hiểu. Những người phụ nữ nhỏ bé làm dâu xứ người đối mặt với muôn vàn nỗi cô đơn, sự khác biệt văn hóa, đôi khi chỉ "thèm được nghe, được nói tiếng Việt mà không có", vậy nhưng khi mảnh đất họ sinh sống gặp nạn, trách nhiệm công dân dường như đã thôi thúc họ phát huy nội lực tự sinh của những con người yêu quê hương bản xứ.

Như thể bắt gặp đúng suy nghĩ của tôi, chị Nga tâm sự, việc Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện hỗ trợ bà con tại đây có thể không được quá nhiều về mặt vật chất, nhưng ở khía cạnh tinh thần, chị hy vọng cái tên Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế nhớ đến không chỉ là một đất nước anh hùng trong chiến tranh mà còn ấm áp tình người giữa đời sống. 

"Tôi không thể nào quên có những ngày mấy chị em lái xe cả trăm cây số đến tặng quà gia đình nạn nhân, mình chỉ vừa giới thiệu "Tôi đến từ Việt Nam" mà người ta ôm mình khóc nức nở. Có đi xa mới thấm thía cái gọi là lòng tự hào dân tộc. Trước đây không quá nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ biết đến Việt Nam nhưng sau những gì Chính phủ nước ta giúp đỡ, tôi đã có thêm rất nhiều người bạn, người "thân" mang dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ. Sự trân quý và gắn kết giữa hai dân tộc là những giá trị không gì đánh đổi được" – chị Nga khẳng định.

Tấm lòng nhân ái của những người phụ nữ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 4.

Sự chia sẻ là điều quan trọng nhất để cùng những người dân Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết sau thảm họa

Tô thắm những "bông hoa đất Việt" ở xứ người

Sau một tháng triển khai công việc với truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ với nguồn lực tuy ít nhưng tấm lòng nhiều đã hỗ trợ tiền mặt cho 5 gia đình và 2 cá nhân người Việt đang sinh sống trong vùng động đất. Cùng với đó, các chị cũng thăm hỏi và trao tiền mặt cho 14 gia đình người Thổ với tổng cộng 57 thành viên cùng sinh sống trong những túp lều tạm hoặc nhà sinh hoạt chung. Trong đó, chị Nga cho biết các chị em đặc biệt chú trọng việc quyên góp sách vở để giúp các cháu nhỏ mồ côi do động đất được tiếp tục trở lại trường học.

"Những món quà tuy không quá lớn nhưng thiết thực. Nếu ở đây bạn sẽ thấy, người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất mạnh mẽ, họ lạc quan với việc xây dựng lại mọi thứ từ chính đống đổ nát và sẽ sớm vượt qua nỗi mất mát này. Chỉ là mình muốn tiếp thêm cho họ nguồn sức mạnh, thêm một tia hy vọng vì lúc khó khăn, nếu họ biết luôn có người đồng hành, họ sẽ dễ dàng tái thiết cuộc sống" – chị Nguyễn Trúc Ly (TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) chia sẻ.

Kết thúc buổi nói chuyện, khi tôi hỏi các chị em dự kiến sẽ làm công tác thiện nguyện đến khi nào, không ai bảo ai, các chị đều nói "còn người dân khổ cực thì chị em vẫn sẽ đồng hành". Có lẽ ai rồi cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, cuộc sống luôn là những vòng quay lặp lại nhưng có tính tiếp nối. Việc tốt ngày hôm nay chúng ta đã làm được không chỉ là thành quả cá nhân, mà nó là niềm tự hào cho quan hệ nhân dân của hai đất nước.

Chị Nga, chị Ly, chị Loan... động viên, thăm hỏi người dân Thổ Nhĩ Kỳ gặp nạn và trao tặng thật nhiều tình cảm của bà con người Việt

"Thành phố tôi đang sống là Istanbul cũng luôn có nguy cơ động đất rình rập. Mình không thể biết trước được cuộc sống ngày mai thế nào nên hôm nay còn thở, mình hãy cứ cho đi. Người Việt mình vẫn luôn tâm niệm cho đi là còn mãi, huống hồ có rất nhiều người ngoài kia đang cần mình, chị em chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình này để sự đóng góp, gửi gắm của bà con người Việt ở khắp nơi đến được đúng những nơi cần thiết" - chị Ngọc Nga trải lòng.

Trong thời gian tới, khi tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ ổn định sau khủng hoảng này, Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có những hoạt động thường xuyên để kết nối người Việt trên khắp đất Thổ, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống và tạo sân chơi chung hướng về đất nước, quê hương. Đặc biệt, theo chia sẻ của Ban chấp hành lâm thời, Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhiều chương trình riêng nhằm định hướng, giúp đỡ cho các cô dâu Việt trong công việc và cuộc sống tại đất nước này.

Tạm chia tay nhau sau nhiều cuộc nói chuyện. Những người phụ nữ như chị Nga, chị Ly, chị Loan, chị Hạnh… khi đứng cùng nhau đã đại diện cho những người phụ nữ Việt mang tấm lòng đẹp từ chính những cảm xúc với quê hương đất nước, góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp của những "bông hoa đất Việt" ở xứ người.

Thu Hà - Ảnh: Thành Đạt