Máy thở dành cho động vật có thể tái sử dụng cho bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Shutterstock.

Máy thở dành cho động vật có thể tái sử dụng cho bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh:Shutterstock.

 

Các trường đào tạo bác sĩ thú y lớn nhất nước Mỹ, các bệnh viện dành cho động vật, thậm chí cả sở thú hiện cung cấp máy thở cho các bệnh viện, để chăm sóc số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19 đang nguy kịch. Những nỗ lực tương tự ở nhiều nơi khác có thể sẽ tạo ra hàng trăm máy thở và cứu sống được vô số người.

"Mỗi máy thở đều tạo nên sự khác biệt", Tiến sĩ Andrew T. Maccabe, Giám đốc điều hành Hiệp hội Đại học Thú y Mỹ, cho biết. Ông cho biết, máy thở được sử dụng để chữa trị cho động vật giống hệt với loại máy ở các bệnh viện và có thể tái sử dụng.

"Nó thực sự là cùng một thiết bị mà chúng tôi đang sử dụng ở đây", Leslie Lussier, Giám đốc Phòng thí nghiệm chức năng phổi và Chăm sóc hô hấp tại trung tâm y tế Tufts, Boston, nói.

Bệnh viện khu vực Boston đã nhận được ba máy thở từ trường thú y tại Đại học Tufts hôm 23/3. Họ kiểm tra, làm sạch và lắp thêm thiết bị mới, sau đó cho bệnh nhân sử dụng. "Chúng tôi có sẵn máy trong kho và sẵn sàng để sử dụng", Lussier nói.

Máy thở thường được dùng cho những bệnh nhân không thể tự hô hấp, là một trong những thiết bị quan trọng nhất dành cho bác sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19 khi chưa có vaccine.

Máy thở đang trở nên khan hiếm ở Mỹ và trên toàn thế giới. Andrew Cuomo, Thống đốc New York - trung tâm dịch bệnh ở Mỹ, hôm 24/3 đã thúc giục chính phủ cung cấp thêm máy hô hấp nhân tạo từ kho dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu 30.000 máy dự kiến trong những tuần tới.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đột ngột ngưng sản xuất 80.000 máy thở, vì lo lắng chi phí ước tính của chúng có thể lên đến 1 tỷ USD. Deborah L. Birx, điều phối viên phản ứng với dịch bệnh của chính quyền, nhấn mạnh rằng cuộc họp ngắn với Nhà Trắng đề cập đến máy thở và tình trạng thiếu giường bệnh rất căng thẳng.

Trong khi các nhà máy cam kết sản xuất nhiều thiết bị hơn và các công ty ô tô Mỹ tìm cách giúp sản xuất máy thở, nguồn cung vẫn đáp ứng đủ. "Máy thở là một nhu cầu rất quan trọng và mang tính sống còn", Cuomo nói trong một cuộc họp báo, cho biết New York có 3.000 - 4.000 máy và đã đặt thêm 7.000 máy thở.

Đầu tuần này, các bệnh viện ở New York bắt đầu tìm cách sử dụng một máy thở cho nhiều bệnh nhân cùng lúc, và thiết lập cách phân phối số lượng máy thở sao cho cứu được nhiều bệnh nhân nhất.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ - nơi kiểm soát các thiết bị y tế - có hành động linh hoạt hơn khi cho phép dùng các thiết bị "có thể được sử dụng khác với mục đích truyền thống" nếu nguồn cung cấp máy thở cạn kiệt.

Máy thở dành cho động vật cũng được chuyển giao ở New York. Trường thú y của Đại học Cornell đã cho thành phố New York mượn hai máy thở, và chuẩn bị gửi thêm ba máy cùng với 19 máy gây mê, đến trung tâm y tế Cayuga ở ngoại ô New York. Ngoài ra, họ còn gửi gần 1.000 mặt nạ và tài liệu xét nghiệm chẩn đoán.

"Tôi cho rằng nếu mọi người có thể tham gia và cung cấp những gì chúng ta có, sẽ trợ giúp rất nhiều cho một số bệnh nhân nguy kịch rất cần máy thở", Lorin Warnick, Trưởng khoa Thú y của Đại học Cornell cho biết.

Máy thở dành cho động vật có thể đặc biệt hữu ích ở các khu vực nông thôn, nơi không nhận được nhiều sự chú ý như các điểm nóng về dịch bệnh trong thành phố.

Một con đười ươi được nối với máy thở ở sở thú Phoenix. Vườn thú sẵn sàng cho bất kỳ bệnh viện địa phương nào cần mượn máy thở. Ảnh: Phoenix Zoo.

Một con đười ươi được nối với máy thở ở sở thú Phoenix. Vườn thú sẵn sàng cho bất kỳ bệnh viện địa phương nào cần mượn máy thở. Ảnh:Phoenix Zoo.

 

Beth Davidow, Chủ tịch trường Đại học Veterinary Emergency and Critical Care trong vài ngày đã kiểm tra được gần 250 máy thở của động vật có khả năng tái sử dụng để giúp các bệnh nhân. "Đây là một nguồn cung nhỏ, nhưng nếu chúng ta cứu thêm được một người nữa, thì đáng để làm điều này", Davidow nói thêm.

Các bác sĩ thú y trên khắp nước Mỹ cũng đang quyên góp thêm trang thiết bị và vật tư khác cho các bệnh viện địa phương, bất chấp việc họ cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị.

"Chúng tôi chăm sóc thú cưng, nhưng chúng tôi cũng ở đây để phục vụ sức khỏe cộng đồng trong khu vực mình sinnh sống", Hannah Thomas, bác sĩ thú y tại Trung tâm y tế thú y Snodgrass, ở Kentucky, nói.

Theo ione.net