"Việc Tổng thống Donald Trump chỉ định một người nhập cư đứng đầu một cơ quan thường xuyên vi phạm quyền của người nhập cư là một chiến thuật thường được sử dụng để chia rẽ cộng đồng chúng ta", Tracy La, giám đốc điều hành tổ chức VietRISE về cộng đồng người nhập cư gốc Việt, có trụ sở ở California, nói trong một tuyên bố, đề cập đến quyết định bổ nhiệm Tony Phạm làm quyền giám đốc mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) hôm 25/8.
Tony Pham đến Mỹ định cư cùng gia đình sau năm 1975 và trở thành công dân Mỹ 10 năm sau đó. Ông được bổ nhiệm lãnh đạo ICE sau nhiều năm làm cố vấn pháp lý của cơ quan này. ICE thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), chịu trách nhiệm về giam giữ, trục xuất người nhập cư và hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia.
"Việc ông Phạm là một người nhập cư gốc Việt không có nghĩa là ông ấy sẽ lãnh đạo ICE và đối xử với người nhập cư và tị nạn với phẩm giá và sự tôn trọng quyền mà họ xứng đáng được hưởng", La viết.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, các vụ trục xuất người Mỹ gốc Đông Nam Á tăng cao. Hồi đầu tháng, ICE đã trục xuất 30 người gốc Việt, trong đó có một số người được cho là thuộc diện được bảo vệ theo thoả thuận giữa hai nước năm 2008, trong đó tuyên bố những người Việt đến Mỹ trước thời điểm bình thường hóa quan hệ sẽ không bị trả về nước.
Với các nhà vận động gốc Á khác, việc ông Phạm làm việc lâu năm trong ngành hành pháp là một vấn đề gây lo ngại. Trước khi phục vụ trong DHS, ông từng là công tố viên ở Richmond, bang Virginia, và giám đốc Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia.
"Việc ông ấy đã làm việc cho ICE của chính quyền này và chính quyền này tăng cường nhắm mục tiêu vào các cộng đồng tị nạn Đông Nam Á, chúng tôi không cảm thấy lạc quan rằng sẽ có sự thay đổi trong cách điều hành ICE", Phi Nguyễn, giám đốc tranh tụng tại tổ chức Thúc đẩy Công bằng Người Mỹ gốc Á (AAAJ), nói.
Khoảng 15.000 người gốc Đông Nam Á đang đối mặt với lệnh trục xuất khỏi Mỹ, 80% trong số đó có liên quan đến án hình sự cơ bản, theo một báo cáo của AAAJ. Theo Phi Nguyễn, trong số những người tị nạn có nguy cơ bị trục xuất, một số lo lắng rằng ông Phạm có thể áp dụng cách tiếp cận thậm chí còn cứng rắn hơn để chứng tỏ mình là "một người nhập cư làm điều đúng đắn", khác biệt với những người nhập cư không giấy tờ hoặc mất địa vị pháp lý vì từng phạm tội.
"Ngay cả những người không bị giam giữ hoặc bị trục xuất nhưng có lệnh trục xuất cũng thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi", bà nói. "Họ không bao giờ có thể cảm thấy an toàn trong ngôi nhà của mình".
Một số tổ chức quốc gia như OCA, tổ chức thúc đẩy phúc lợi xã hội, chính trị và kinh tế của người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, tỏ ra thận trọng khi hy vọng ông Phạm xoa dịu lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump bằng cách chấm dứt việc giam giữ bắt buộc và cưỡng chế trục xuất.
"Chúng tôi hy vọng ông Phạm sẽ nhớ về nguồn gốc tị nạn của mình và cộng đồng người Mỹ di cư gốc Việt, để chống lại chương trình nghị sự chống nhập cư của chính quyền Trump", Roland Hwang, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của tổ chức, cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhập cư bày tỏ bi quan về khả năng cải cách của ICE, khi cho rằng đây là một tổ chức phân biệt chủng tộc, đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
"Ông Phạm có toàn quyền để khiến mọi thứ tốt hơn. Nhưng rốt cuộc, đó là một hệ thống cần phải bị xóa bỏ hoàn toàn", Phi Nguyễn nói.
Theo vnexpress