Đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 vào tối ngày 1.10 đã tìm được chủ nhân của chiếc vương miện Hoa hậu và 4 Á hậu. Thí sinh đến từ Long An Đoàn Thiên Ân xuất sắc giành được ngôi vị cao nhất. Các Á hậu lần lượt là Chế Nguyễn Quỳnh Châu (Lâm Đồng), Trần Tuyết Như (TP.HCM), Trần Nguyên Minh Thư (Quảng Trị) và Ngô Thị Quỳnh Mai (TP.HCM).

Đêm chung kết Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam để lại ấn tượng với nhiều người trẻ bởi những màn hùng biện, ứng xử của tân Hoa hậu và Á hậu.

Tân Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022: Kêu gọi ngưng bạo lực bằng ngôn từ - ảnh 1

Khoảnh khắc đăng quang của Hoa hậu và 4 Á hậu

CHỤP MÀN HÌNH

Nhiều người rời bỏ thế gian vì bị tổn thương từ lời nói của người khác

Bước vào phần thi hùng biện về chủ đề chấm dứt chiến tranh và bạo lực, Thiên Ân dõng dạc nói: “Chúng ta luôn nói về hòa bình, về việc đấu tranh cho một thế hệ tốt đẹp hơn. Thế nhưng hòa bình sẽ không bao giờ bền vững nếu vấn đề về bạo lực không được giải quyết. Có rất nhiều người đang nghĩ rằng bạo lực là một cụm từ để chỉ về việc tác động vật lý hay làm tổn hại đến ai đó, nhưng không, bạo lực được chia làm nhiều loại khác nhau. Tôi đã từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ, của "body shaming" (miệt thị ngoại hình-NV) sau khi tôi tăng cân. Chúng ta luôn nghĩ rằng việc nói những câu bông đùa ấy không có hại, nhưng nó là ngọn giáo xuyên thấu trái tim của người nghe”, Thiên Ân nói.

Thiên Ân tiếp tục thể hiện quan điểm: “Bởi vì chúng ta là phiên bản độc nhất của bản thân mình, không ai giống ai, không ai hoàn hảo. Và cũng không có một quy chuẩn nào đặt ra cho tất cả chúng ta, mọi người cần lên tiếng để ngăn chặn vấn đề bạo lực ngôn từ vì đã có rất nhiều người lựa chọn rời bỏ thế gian này bởi vì tổn thương từ lời nói của người khác... Tôi có khuyết điểm nhưng quan trọng nhất đó chính là tôi dám đứng lên đấu tranh cho bản thân mình và dùng tiếng nói thay cho tất cả các bạn”.

Tân Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022: Kêu gọi ngưng bạo lực bằng ngôn từ - ảnh 2

Hoa hậu Đoàn Thiên Ân trong phần hùng biện về hòa bình

CHỤP MÀN HÌNH

Chăm chú lắng nghe phần hùng biện của Thiên Ân, anh Lê Văn Hoàng (27 tuổi, ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) tỏ ra đồng tình: “Mình cảm thấy đây là một phần trả lời có ý nghĩa, cách thể hiện tự nhiên. Việc đưa bản thân ra làm dẫn chứng giúp cho phần thể hiện dễ nhận được sự tiếp nhận, không khô khan, giáo điều. Mình cảm nhận được Thiên Ân đang nói những lời thật lòng từ tận trái tim”, anh Hoàng chia sẻ.

Người trẻ có sống ích kỷ, vô cảm?

Bước vào phần thi ứng xử với tâm thế khá thoải mái, Đoàn Thiên Ân nhận được câu hỏi từ Hoa hậu Hà Kiều Anh với nội dung: “Có ý kiến cho rằng nhiều bạn trẻ hiện nay sống thờ ơ, ích kỷ và vô cảm. Vậy thì em nghĩ gì về điều này?”. Bản thân Thiên Ân cũng là một người trẻ thuộc thế hệ Gen Z nên cô tỏ ra vô cùng thấu hiểu và sâu sắc khi trả lời: "Vô cảm, thờ ơ hay ích kỷ là cảm xúc, mà cảm xúc thì tồn tại trong tất cả, không riêng gì giới trẻ. Và việc nói giới trẻ thờ ơ, vô cảm, ích kỷ chỉ là một phần trong đó. Điều quan trọng hơn hết là thay vì chỉ trích giới trẻ, hãy đặt câu hỏi tại sao họ lại như vậy? Hãy giáo dục, cho họ thấy rằng gia đình là nơi nung nấu và cội nguồn giúp tình cảm, sự yêu thương ngày càng được dâng trào hơn".

Tân Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022: Kêu gọi ngưng bạo lực bằng ngôn từ - ảnh 3

Á hậu 4 Ngô Thị Quỳnh Mai gây xúc động với nhiều người khi chia sẻ câu chuyện từng là nạn nhân của nạn bạo lực trên môi trường mạng

CHỤP MÀN HÌNH

Đồng tình với phần trả lời của tân Hoa hậu, Lê Kim Anh (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại đường Ni sư Quỳnh Liên,Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Hiện tại, người trẻ có nhiều điều kiện về vật chất, có cơ hội học tập và tiếp nhận những kiến thức bổ ích chỉ trong một cái ấn chuột trên máy tính. Nhưng họ cũng đang phải đối mặt với nhiều cám dỗ và gặp vấn đề về mặt sức khỏe tinh thần”.

Kim Anh cho biết cách lý giải của Thiên Ân rất hợp lý vì thể hiện được sự thấu hiểu, đặt bản thân vào nỗi lo của người khác để cảm nhận. Một lần nữa tân Hoa hậu đã thể hiện được quan điểm của bản thân một cách chân thật, hợp tình, hợp lý và góp phần đề cao giá trị của gia đình trong việc hình thành nhân cách của một người.

Ngừng việc bắt nạt, tấn công người khác trên môi trường mạng

Phần hùng biện đầy cảm xúc của Á hậu 4 Ngô Thị Quỳnh Mai cũng chạm được đến trái tim của khán giả trẻ. “Là một người sinh ra và lớn lên trong thời không có chiến tranh, tôi trân trọng yêu quý hòa bình và biết ơn những gì mà ông cha ta đã hy sinh để có được sự độc lập và tự do. Tuy nhiên, khi nhìn vào hiện trạng bạo lực đang còn diễn ra hằng ngày, hàng giờ, tôi tự hỏi khi không có chiến tranh thì đã thực sự đã là hòa bình hay chưa”, Quỳnh Mai phát biểu.

Xúc động khi nghe phần chia sẻ của Á hậu 4, anh Hồ Anh Tuấn (28 tuổi, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “ Tuy nội dung truyền tải không mới nhưng cách thể hiện của Quỳnh Mai đã một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về sự văn minh khi tương tác trên môi trường mạng. Từng trực tiếp trải qua những điều tồi tệ khi bị tấn công trên mạng xã hội nên khi thể hiện cô ấy đã rất quyết liệt, truyền năng lượng và thúc đẩy người trẻ”.

Theo Thanh niên