Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum Cao Thị Mai Phượng cho biết: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Theo bà Cao Thị Mai Phượng, trong nhiều năm qua, truyền thông chính sách, pháp luật góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chủ trương, chính sách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Truyền thông chính sách, pháp luật cũng trở thành cầu nối để truyền tải những vướng mắc, khó khăn, tâm tư của bà con kiều bào tới Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, đề xuất các giải pháp tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài và góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác này.
Phó vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết, truyền thông về các dự thảo chính sách pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội được truyền thông đến cộng đồng người người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng kế hoạch và tổ chức truyền thông về nội dung dự thảo chính sách theo quy định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các dự thảo chính sách pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng; nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan thiết thực đến người Việt Nam ở nước ngoài như: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; xuất cảnh, nhập cảnh; pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở; chính sách về bảo hộ của nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Nhà báo Hoàng Minh Nga (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài khá tích cực nhưng sự tương tác vẫn còn hạn chế. Là phóng viên đã từng đi thường trú tại Hoa Kỳ, nhà báo Hoàng Minh Nga khẳng định, đội ngũ phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam tại nước ngoài rất tích cực quảng bá, tuyên truyền về chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam nhưng tính tương tác với bà con kiều bào vẫn chưa có kết quả.
Theo nhà báo Nga, vai trò của phóng viên trong việc thực hiện công tác truyền thông cho kiều bào rất cao nhưng đây không phải nhiệm vụ của phóng viên và cũng chưa có kinh nghiệm, kiến thức về hoạt động này. Để nâng cao hiệu quả công tác này, nhà báo Hoàng Minh Nga đề nghị, trước khi đội ngũ phóng viên đi thường trú ở nước ngoài, các cơ quan chức năng nên tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn về phổ biến pháp luật truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao) Phạm Thị Thu Hương cho biết, trong quá trình triển khai công tác thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Các quy định pháp luật có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, do nhiều Bộ, ngành khác nhau phụ trách. Việc xác định cơ quan nào là cơ quan chủ quản phụ trách vấn đề liên quan để phối hợp thông tin, tuyên truyền đôi khi gặp khó khăn, nhất là đối với những vấn đề mang tính liên ngành.
Người Việt Nam ở nước ngoài xuất phát từ các quốc gia khác nhau, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, không phải cá nhân nào cũng biết tiếng Việt, do đó, thường gặp rào cản khi tiếp cận dự thảo chính sách, pháp luật bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Trên thực tế, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về dự thảo chính sách, pháp luật chủ yếu tập trung vào cộng đồng bà con biết tiếng Việt ở sở tại.
Nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài, bà Phạm Thị Thu Hương cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo chính sách, pháp luật để kịp thời thông tin và lấy ý kiến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường các hoạt động lấy ý kiến đóng góp của kiều bào dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến…
Theo Phó vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên, cần đa dạng hóa hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả như: xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách pháp luật ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, được dịch ra tiếng nước ngoài phổ thông; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng chuyện biệt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài (trọng tâm là kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam; kênh thông tin đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam..)
Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu kỹ năng về tổ chức truyền thông chính sách nói chung, cho người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí để tham gia triển khai nhiệm vụ một cách có hiệu quả…
Theo TTXVN