Tăng trưởng dân số gần về 0, Trung Quốc đối mặt khủng hoảng
Cập nhật lúc 22:10, Thứ ba, 11/05/2021 (GMT+7)
Năm ngoái, số trẻ mới sinh ở Trung Quốc chỉ có 12 triệu, thấp nhất kể từ năm 1961. Đây là bằng chứng mới nhất về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập nước này.
Ảnh: Reuters
Hãng tin AP dẫn dữ liệu được Chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay (11/5) cho thấy, tăng trưởng dân số ở nước này gần về con số 0 khi ngày càng ít cặp vợ chồng sinh con. Việc này chất thêm căng thẳng lên một xã hội lão hoá với lực lượng lao động ngày càng giảm.
Dân số Trung Quốc tăng 72 triệu người trong 10 năm qua, lên hơn 1,4 tỷ người vào năm 2020, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố sau cuộc điều tra dân số kéo dài một thập kỷ. Cơ quan này cho hay, mức tăng trưởng hàng năm đạt trung bình 0,53%, giảm 0,04% so với thập niên trước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình từ năm 1980 để hạn chế sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, lo ngại về việc số người trong độ tuổi lao động sụt giảm quá nhanh, làm gián đoạn những nỗ lực tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng nên Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế sinh đẻ. Dù vậy, các cặp vợ chồng vẫn hạn chế sinh đẻ do chi phí cao, nhà cửa chật chột và sự phân biệt đối xử trong công việc với các bà mẹ.
Trung Quốc, cùng với Thái Lan và một số quốc gia đang phát triển khác ở châu Á, hiện phải đối mặt với những thách thức mà các nhà kinh tế gọi là liệu quốc gia này có thể giàu lên trước khi già đi hay không. Một số nhà dự báo cảnh báo Trung Quốc phải đối mặt với “bom hẹn giờ nhân khẩu học”.
Để phản ánh mức độ nhạy cảm của vấn đề, cơ quan thống kê Trung Quốc đã có bước đi bất thường vào tháng trước khi công bố dân số tăng trong năm 2020, nhưng không đưa ra tổng số. Điều đó giống như một nỗ lực để xoa dịu các công ty và các nhà đầu tư, sau khi tờ Thời báo tài chính của Anh đưa tin, cuộc điều tra dân số ở Trung Quốc có thể đưa ra thông tin về sự sụt giảm bất ngờ.
Ju Jiehua, một giáo sư nghiên cứu về dân số tại Đại học Bắc Kinh nói: “Chúng tôi lo ngại nhiều hơn về sự sụt giảm nhanh chóng của dân số trong độ tuổi lao động. Nếu dân số trở nên quá già, sẽ không thể giải quyết vấn đề qua nhập cư. Việc này phải được xử lý ở giai đoạn đầu”.
Nhật, Đức và một số quốc gia giàu có khác phải đối mặt với thách thức tương tự trong việc hỗ trợ dân số già có ít người lao động. Tuy nhiên, họ có thể thu hút đầu tư vào các nhà máy, công nghệ và tài sản nước ngoài. Trong khi đó, ở phía đối lập, Trung Quốc vẫn là nước có thu nhập trung bình với hoạt động sản xuất và canh tác dựa vào người lao động.
Sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động sẽ đặt ra giới hạn với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc, bà Yue Su thuộc Đơn vị tình báo kinh tế cho biết.
Theo vietnamnet