Tháng 5, chính phủ Nam Phi ban hành lệnh cấm uống, buôn bán và vận chuyển rượu như một biện pháp mạnh tay nhằm bảo vệ sức khỏe người dân giữa đại dịch Covid-19.

Quy định này được kỳ vọng giúp giải phóng giường bệnh để cứu chữa những người nhiễm virus, thay vì phải điều trị cho nhiều trường hợp nhập viện liên quan đến rượu bia. Thực tế, không chỉ Nam Phi mà Thái Lan, Ấn Độ hay Kenya cũng ban hành lệnh cấm tương tự trong mùa dịch.

Tuy nhiên, quy định trên vấp phải nhiều tranh cãi, giữa một bên đồng tình và phía còn lại là những người mê rượu cảm thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm. Nhiều người tin chắc một thị trường ngầm, không chỉ buôn bán trái phép rượu mà còn cả thuốc lá, cũng đã mọc lên tại Nam Phi từ thời điểm quy định được đưa ra, theo BBC.

Lệnh cấm uống, buôn bán và vận chuyển rượu ở Nam Phi gây ra nhiều luồng tranh cãi.

Cấm rượu


Dịch Covid-19 bùng phát khiến đông đảo người dân phải ở nhà suốt nhiều tháng liền, dấy lên nỗi lo về công việc cũng như vấn đề sức khỏe.

Tại nhiều nước, người dân chọn sử dụng đồ uống có cồn như một cách giải tỏa căng thẳng trong thời gian dịch bệnh khó khăn. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 4, 21% người Anh uống rượu nhiều hơn sau khi phải thực hiện cách ly. Số liệu tương đương cũng được ghi nhận tại Canada.

Giống một số quốc gia khác, Nam Phi đã thử cấm rượu trong mùa dịch để giúp các bệnh viện bớt quá tải, giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế.

Thực tế, Nam Phi không có nhiều lựa chọn bởi vào đầu tháng 8, nước này có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 5 thế giới, đồng nghĩa cần thêm rất nhiều giường bệnh.

Tuy nhiên, một số người đặt câu hỏi rằng việc cấm uống rượu bia có thực sự mang lại hiệu quả, trong đó có Johannes Ramatsi - nhân viên pha chế bị mất việc trong thời gian lệnh cấm được ban hành và đến nay vẫn thất nghiệp.

“Tôi thấy thật tệ. Tôi cần quay lại làm việc, làm thật nhiều để nuôi 4 đứa con”, anh nói.

Lucky Ntimane, người đứng đầu Hiệp hội các nhà kinh doanh rượu, cho biết khoảng một triệu người ở Nam Phi có công việc gắn liền với ngành công nghiệp rượu. Lệnh cấm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của những người này.

“Tôi cho rằng nền kinh tế của đất nước bằng cách nào đó được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp này, khi 3% GDP đến từ ngành công nghiệp rượu”, Ntimane nói.

Ông cũng chỉ ra tác động tiêu cực phổ biến khác của việc cấm rượu, trong đó có nạn buôn bán bất hợp pháp trên thị trường chợ đen. Ntimane tin việc cấm rượu hoàn toàn không giải quyết được vấn đề thực sự, mà việc cải tạo ý thức mới là giải pháp lâu dài, khả thi và hiệu quả hơn.

Jeffrey Miron, nhà kinh tế học tại ĐH Harvard (Mỹ), nói rằng các lệnh cấm rượu thường gây ra nhiều vấn đề hơn, thậm chí thúc đẩy nhu cầu sử dụng rượu và làm gia tăng nạn buôn bán trái phép.

“Thị trường chợ đen có những vấn đề tiêu cực như khó kiểm soát, chất lượng kém khiến người dùng bị ngộ độc. Nhà nước cũng bỏ mất cơ hội thu thuế”.

Miron nói rằng thu thuế từ rượu không đem lại số tiền lớn ở hầu hết nền kinh tế, nhưng việc cấm toàn bộ ngành công nghiệp này sẽ “có tác động tiêu cực đáng kể đến kết quả kinh tế” và có thể “góp phần gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe, hoặc mọi người chán nản vì mất việc làm”.

Ông nói thêm rằng việc hạn chế việc tụ tập, buộc người dân ở nhà là biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Miron cũng nhận định việc cấm uống rượu để kiềm chế bạo lực là không hiệu quả.

Lệnh cấm rượu khiến nhiều người mất việc, đồng thời khiến thị trường buôn bán rượu trái phép ở chợ đen phát triển.

Tệ nạn trở lại sau lệnh cấm


Lệnh cấm rượu kéo dài 4 tháng của Nam Phi được dỡ bỏ vào ngày 15/8. Động thái này nhận được sự hoan nghênh nhiệt tình tại quốc gia có những người nghiện rượu nặng nhất thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Tôi không biết phải nói gì. Tôi đã quá sức chịu đựng”, một khách nữ tại quán bar nói với Business Daily rằng lệnh cấm kết thúc đã cứu rỗi cô khỏi những ngày tồi tệ.

Một người khác cho hay “cảm thấy như vừa trúng cả triệu đô” khi anh ta lại có thể mua một chai Castle Lager.

Lệnh cấm rượu được dỡ bỏ khiến nhiều người dân vui mừng, song nó cũng kéo theo nhiều tệ nạn quay trở lại.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác hại của rượu bia, dù chúng được bán hợp pháp. WHO coi đây là một trong những rủi ro sức khỏe hàng đầu thế giới, liên quan đến khoảng 60 loại bệnh và thương tích, cũng là nguyên nhân của 4,5 triệu ca tử vong hàng năm.

Tại Nam Phi, trong thời gian được áp dụng, lệnh cấm rượu đã có tác động đáng kể đến tình hình xã hội cũng như cải thiện sức khỏe người dân.

Bongiwe Ndondo - nhà nghiên cứu chuyên theo dõi bạo lực đối với phụ nữ - cho biết nhiều vụ hành hung xảy ra do tác động bởi rượu. Vì vậy "chính những quy định hạn chế rượu bia trong mùa dịch đã tác động tích cực đến xã hội".

Cô nói thêm nhiều người thấy vui với lệnh cấm, một số khác thức tỉnh và nghĩ về việc đất nước sẽ tươi đẹp ra sao nếu không có rượu cũng như những tệ nạn xã hội đi kèm.

Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, những tệ nạn do rượu càng bị phơi bày rõ hơn: số ca cấp cứu tại các bệnh viện ở Nam Phi tăng gấp đôi. 85% trong số đó là các vụ việc liên quan đến rượu như tai nạn ôtô, tai nạn xe máy, đâm, bắn nhau và hành hung.

“Có quá nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng say xỉn, khiến chúng tôi còn phải tự hỏi liệu họ có bị chấn thương thần kinh không. Điều đó thật mệt mỏi”, Katie Jordaan, bác sĩ tại Bệnh viện Tygerberg, cho biết.

Một đồng nghiệp của cô, Scott Mahoney, cho biết tình trạng bạo lực gia đình đã gia tăng đáng kể sau khi hết lệnh cấm.

 

Theo  Zing