Lao động nhập cư tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, phải ngủ ngoài công viên vì mất việc làm - Ảnh: The New York Times
Covid-19 đang tạo ra một cơn địa chấn, ảnh hưởng trực tiếp đến từng con người ở mỗi quốc gia. Kẻ thù chung vô hình này buộc thế giới phải “khép cửa”. Mọi người được khuyên ở yên trong nhà để ngăn đà lây lan của dịch, nhưng những người vô gia cư không có nơi nào để tránh dịch.
Nhóm có nguy cơ cao
Đánh giá về nhóm người yếu thế trong tình cảnh đại dịch, Ủy viên Châu Âu về việc làm và quyền xã hội Nicolas Schmit nói: “Sống trên đường phố dẫn đến tác động lớn về tâm lý lẫn sức khỏe thể chất. Người vô gia cư rõ ràng chịu nhiều rủi ro. Họ thường mắc bệnh từ trước, vì vậy cần được xem là nhóm có nguy cơ cao. Vi rút Corona còn có thể lây sang đối tượng tiếp xúc với người vô gia cư. Các tình nguyện viên cũng cần được bảo vệ”.
Cùng quan điểm trên, bà Ruthy Owen, Phó giám đốc Hiệp hội Các tổ chức quốc gia làm việc với người vô gia cư (FEANSTA - tổ chức được Ủy ban Châu Âu tài trợ), cho rằng cần tập trung xét nghiệm cho người vô gia cư vì họ là nhóm yếu thế, không đủ khả năng tự bảo vệ bản thân, có nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong cao hơn. “Phần lớn những cơ sở cho người vô gia cư lánh nạn sẽ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta không thể cách ly người nhiễm với người chưa nhiễm”, tờ The Guardian dẫn lời bà Owen nói.
Trong khi đó, Wohnungslosenhilfe, một tổ chức giúp đỡ người vô gia cư tại Đức, đã cảnh báo Covid-19 nếu bùng phát trong cộng đồng người vô gia cư sẽ có thể dẫn đến thảm họa. DW dẫn số liệu chính phủ cho biết Đức có khảng 678.000 người vô gia cư. Giám đốc của Wohnungslosenhilfe, bà Werena Rosenke kêu gọi các tổ chức tìm thêm nơi tạm trú cho cộng đồng này và đảm bảo các biện pháp an toàn. Bà nhấn mạnh những nhu yếu phẩm khác như khẩu trang, xà phòng và dung dịch rửa tay sát trùng cũng cần được đảm bảo. “Tôi hy vọng chúng ta có thể hoàn thành trước khi tình hình leo thang. Những tổ chức hỗ trợ người vô gia cư cần được nhìn nhận là một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu của Đức”, bà Rosenke chia sẻ.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Trên thực tế, người vô gia cư ở khắp châu Âu đang gặp muôn vàn khó khăn. Giờ đây, họ không chỉ phải lo kiếm cái ăn, chỗ ngủ mà còn đối diện với nguy cơ bệnh tật. Tình trạng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ và dung dịch rửa tay kháng khuẩn giữa đại dịch Covid-19 đang buộc các tổ chức xã hội phải đóng cửa trung tâm chăm sóc, điểm phát thực phẩm và bếp ăn miễn phí dành cho người nghèo, vô gia cư. Ở thành phố Amsterdam (Hà Lan), trại cứu tế được yêu cầu chỉ mở cửa vào đêm để hạn chế nguy cơ truyền nhiễm, khiến người vô gia cư phải lang thang.
Tình nguyện viên phân phát thức ăn cho người vô gia cư tại Rome (Ý) - Ảnh: Reuters
Người vô gia cư tại Ý thậm chí phải nhận giấy phạt hành chính. “Họ không thể ở yên trong nhà vì họ không có nhà”, Liên hiệp Các tổ chức vì người vô gia cư ở Ý (FIOPSD) viết thư phản ánh với Bộ Nội vụ nước này, nhấn mạnh sự vô lý của các án phạt. “Tình trạng này đã diễn ra ở nhiều thành phố. Họ nhận mức phạt mà bản thân không thể chi trả và còn phải hầu tòa. Họ đâu có ra đường cho vui”, người phát ngôn của tổ chức Michele Ferraris nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, các bếp ăn ở thủ đô New Delhi đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt khi một số lượng lớn lao động nhập cư rơi vào cảnh thất nghiệp và không nơi nương tựa. Những người này đa phần ăn ngủ ngay tại nơi làm việc, nhưng giờ đây hoạt động kinh doanh phần nhiều phải đóng cửa do lệnh phong tỏa toàn quốc và vì thế họ lâm cảnh màn trời chiếu đất, theo The New York Times. Theo thống kê, Ấn Độ có hơn 4 triệu người vô gia cư tại các khu vực thành thị. Bên cạnh đó, gần 70 triệu người sinh sống trong các ổ chuột và khu tạm cư không chính thức.
Hạn chế tiếp xúc gần như bất khả thi
Một số chính phủ và giới chức địa phương ở các nước cũng đã bắt đầu có những động thái hướng đến cộng đồng người vô gia cư trong tình hình đại dịch. Tại Mỹ, nhiều trại cứu tế đã thông báo sẽ mở cửa 24/24, thay vì khung giờ 12 tiếng/ngày như thường lệ. Các biện pháp khẩn cấp cũng cho phép những gia đình không nhà ở được tạm trú trong cơ sở cứu tế tối đa 60 ngày kể từ khi đăng ký. Họ cho kiểm tra y tế người vô gia cư trước khi tiếp nhận, yêu cầu người tạm trú không được đổi giường và cơ sở lánh nạn để hạn chế bùng phát chuỗi lây nhiễm, theo tờ The New York Times.
Tuy nhiên, những cơ sở này từ lâu thiếu sự đầu tư, điều kiện vệ sinh dịch tễ thì quản lý lỏng lẻo. Nhiều chuyên gia lo ngại trại cứu tế gần như không thể tránh khỏi nguy cơ thành ổ dịch. Việc đảm bảo thực hành vệ sinh cá nhân và giữ khoảng cách an toàn để ngăn lây nhiễm vi rút đối với người vô gia cư đang là thách thức lớn tại Mỹ. Nhà hàng, quán cà phê, thư viện và các địa điểm công cộng buộc phải đóng cửa. Cơ hội để người vô gia cư được sử dụng nước máy và xà phòng lại chính là nhà vệ sinh của những địa điểm này, theo Washington Post.
Khuyến cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ là tránh tập trung trên 10 người và hạn chế giao tiếp xã hội, giữ khoảng cách với nhau khoảng 2 m. Thế nhưng, áp dụng khuyến cáo đó cho
những trại cứu tế, nơi cung cấp chỗ ăn ngủ cho người vô gia cư, là điều gần như bất khả thi. Người đến trú ngụ thường phải ngủ chung phòng, sử dụng giường tầng để tận dụng tối đa diện tích. Nhưng có phòng để ngủ là còn may mắn. Ở một số cơ sở, ban quản lý cho trải đệm xếp sát nhau trên nền đất trong những hội trường lớn. Bữa ăn được phục vụ trong những căn tin đông người. Phòng tắm, phòng sinh hoạt và giặt giũ đều phải dùng chung. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều nước châu Âu.
Đại dịch Covid-19 xảy ra trầm trọng tại châu Âu giữa lúc số người vô gia cư tại lục địa này đang ở mức cao kỷ lục. Ở Liên minh Châu Âu (EU) và Anh, thống kê mỗi đêm ghi nhận được khoảng 700.000 người xem đường phố hoặc các trại cứu tế là nhà. Con số này tăng gần 70% so với một thập niên trước. Trừ Phần Lan, gần như mọi nước châu Âu đều ghi nhận số người vô gia cư gia tăng, theo The Guardian. |
Theo thanhnien