Takahashi (35 tuổi) phải ngủ ở một trạm xe bus trong hai tuần nay. "Nhiều công ty phá sản vì dịch bệnh. Rất nhiều người thất nghiệp như tôi lúc này", Takahashi nói khi đang đứng xếp hàng ở Shinjuku để nhận bữa ăn miễn phí từ nhóm giúp người vô gia cư Moyai.
Người đàn ông này là một trong số 4.000 người vô gia cư, hầu hết là nam giới, sống tạm trong các quán café Internet với giá 17-28 USD/ đêm cho một buồng.
|
Người đàn ông sống trong buồng thuê tại quán cafe Internet ở Tokyo. |
Trong vài tuần vừa qua, Nhật Bản cố gắng kiểm soát số ca nhiễm tăng vọt. Tính tới 5/5, Nhật Bản ghi nhận 15.078 ca nhiễm và 536 ca tử vong. Để ngăn chặn virus lây lan, Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đóng cửa các doanh nghiệp, bao gồm cả các quán café Internet, buộc người sống trong đó phải tìm nơi khác để ẩn náu. Chính quyền Nhật Bản đang cung cấp chỗ ở cho những người này, nhưng đại dịch đã để lộ ra một vấn đề có nguồn gốc từ hàng chục năm trước.
Một nơi để ở
Mặc dù nổi tiếng là thành phố giàu có, hiện đại, Tokyo vẫn có 5.126 người vô gia cư, theo thống kê của thành phố năm 2019. Trong số đó, 4.000 người thường trú ẩn ở các quán café Internet, hơn 1.000 người khác thất nghiệp và sống dưới gầm cầu trong các thùng carton hoặc lều trong các công viên và dọc bờ sông. Nhiều nhóm từ thiện cho rằng con số thực chất có thể cao hơn nhiều.
Tom Gill - nhà nhân chủng học xã hội tại Đại học Meiji Gakuin - cho biết: "Mọi người bắt đầu sử dụng quán café Internet là một nơi sống rẻ hơn khách sạn. Từ đó nơi này biến thành một nơi trú ẩn của người vô gia cư".
Các quán café này hoạt động cả ngày, cung cấp nhà tắm, phòng giặt đồ, tiệm café và quan trọng nhất là có các buồng riêng với ghế ngả lưng có thể được thuê theo tiếng, ngày hoặc qua đêm để ngủ lại. Các buồng được chia cách bởi tấm gỗ mỏng. Giá thuê một buồng trong 12 tiếng rơi vào khoảng 17-19 USD vào ngày trong tuần, nhiều nhất là 28 USD vào ngày cuối tuần và quốc lễ. Có nhiều quán café dạng này ở Tokyo đến mức ai cũng có chỗ ngủ.
|
Một khách hàng đeo khẩu trang bước vào quán cafe Internet vào ban đêm ở quận Shibuya, Nhật Bản, hôm 12/4. |
Giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn
Trong những thập kỷ vừa qua, Nhật Bản chứng kiến sự tăng vọt số công nhân làm việc bán thời gian hoặc tạm thời như Takahashi. Năm 2019, số lượng các công nhân này là 22 triệu người, theo Bộ Nội vụ Nhật Bản. Một phần trong số này không có công việc hàng ngày và thường chỉ được nhận mức lương cơ bản, 9 USD/giờ. Những công nhân thường khó có được chỗ ở ổn định hơn. Ở Nhật Bản, người thuê thường phải trả trước tiền cọc, tiền chìa khóa và ít nhất 3 tháng tiền nhà.
Takahashi trước đây thường làm việc ban ngày tại một xưởng đóng tàu ở Hiroshima. Nhưng sau đó anh chuyển đến Tokyo vì nghe nói lương ở đây cao hơn, ở mức 958 Yen (khoảng 9 USD) so với 818 Yen (khoảng 8 USD) của Hiroshima. Ban đầu, anh thường làm ở các công trường, với mức lương theo ngày, và sống tại các quán café Internet.
Có khoảng 15.000 người ở các quán café này trong một đêm ở Tokyo. Nhiều người trong số này không thuê được nhà, giống Takahashi. Anh không quan tâm liệu quán có đông hay không. Anh thuê một buồng có chìa khóa riêng và ở một mình, anh giữ đồ đạc trong một túi đeo trên người để dễ di chuyển. Nhưng mọi việc thay đổi kể từ khi có đại dịch.
Công ty nơi anh làm việc phá sản. Takahashi chuyển tới một quán café có giá thuê 2 USD/đêm. Nhưng khi nơi này đóng cửa, anh không còn nơi nào khác để đi.
Một kiểu vô gia cư khác
Những người sống tạm trong các quán café kiểu này bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990, nhưng người ta thường không nhớ tới họ khi kinh tế ổn định, vì họ không ngủ ngoài đường. Tuy nhiên, Covid-19 phơi bày mặt tối của nền kinh tế Nhật Bản.
Ngày 30/4, Hatanaka Kazuo - người phát ngôn cho chính quyền thành phố Tokyo - cho biết thành phố sẽ cung cấp nơi ở cho những người sống trong các quán café Internet tới ngày 6/5 hoặc lâu hơn nếu tình trạng khẩn cấp chưa được gỡ bỏ. Để được vào sống ở đây, mỗi người phải cung cấp được bằng chứng như thẻ thành viên của quán hoặc hóa đơn, bằng chứng đã sống ở Tokyo trên 6 tháng. Tuy nhiên sau ngày 22/4, các điều kiện trên đều được bỏ qua.
|
Ông Katsuya Asao, 54 tuổi, chuẩn bị nghỉ ngơi tại nơi trú ẩn do quận Kanagawa cung cấp sau khi quán cafe Internet đóng cửa. |
Kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, gần 700 người đã chuyển vào các phòng khách sạn của thành phố. Ở Yokohama, chính quyền biến một hội trường thi đấu võ thuật thành nơi trú ẩn với các buồng riêng, tuân thủ giãn cách xã hội. Nhiều người vô gia cư không biết tới chính sách này vì chính quyền Tokyo chưa công khai rộng rãi, theo Ren Onishi, giám đốc của tổ chức Moyai.
"Những người vô gia cư ở Nhật Bản thường bị đổ lỗi là tự đẩy mình vào tình cảnh hiện tại", ông Onishi nói. Ông hy vọng dịch bệnh sẽ khiến các chính sách với người vô gia cư và lao động không thường xuyên thay đổi. Nhưng sự kỳ thị với người vô gia cư ở Nhật Bản khiến nhiều người không dám nhờ giúp đỡ. Các quán café Internet cho họ chỗ ở mà không cần cung cấp thông tin.
Số đàn ông sống trong các quán café này cao bất thường là do thái độ bảo thủ ở Nhật Bản, theo Tom Gill - nhà nhân chủng học xã hội. Những người đàn ông không có bệnh hay chấn thương thường bị đổ lỗi khi trở thành vô gia cư, cho thấy chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phụ nữ nhiều hơn nếu họ gặp tình cảnh tương tự.
Khi đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, Takahashi hy vọng anh có thể tiết kiệm được đủ tiền để đi từ Shinjuku tới Hiroshima - nơi anh sống nhờ nhà bạn. Takahashi nghĩ rằng anh sẽ không đủ điều kiện để được sống ở nơi do thành phố sắp xếp do địa chỉ thường trú của anh là ở Hiroshima, và anh không có giấy tờ cần thiết. "Tôi đang cố gắng trải qua tình hình hiện tại bằng việc nghĩ rằng đây là một trải nghiệm để đời", anh nói.
Theo ione.net