Công bố thành lập đại học Fulbright Việt Nam.
Trường Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/5/2016. Quyết định cho phép FUV được tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm 2016.
Trường cũng sẽ triển khai công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Vốn đăng ký ban đầu của trường là 70 triệu USD.
Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Đại học Fulbright Việt Nam hoạt động.
Đến dự lễ công bố thành lập ĐH Fulbright Việt Nam, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá đây là sự kiện đặc biệt trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và là bước tiến trong lộ trình cùng hướng vào tương lai của hai nước.
Theo ông Đinh La Thăng, chính từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ đã cho Thành phố Hồ Chí Minh hiểu rằng, chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quyết định hàng đầu cho sự thịnh vượng và là chìa khóa để thực hiện mục tiêu của mình.
Thành phố đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của Đại học Fulbright Việt Nam, không chỉ cho giáo dục, mà cả sự kết nối, tạo sự hiểu biết giữa thế hệ trẻ hai nước, từ đó thắt chặt quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Đinh La Thăng khẳng định, thành phố sẽ dành những điều kiện tốt nhất để Đại học Fulbright Việt Nam hoạt động và phát huy thế mạnh cũng như thành tựu của nền giáo dục Hoa Kỳ, đóng góp vào sự phát triển chung của hai nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tin tưởng Đại học Fulbright sẽ có đóng góp lớn cho giáo dục Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry, cảm ơn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp và ủng hộ từ những ngày đầu tiên, đặc biệt đã dành diện tích đất rộng lớn ở khu vực rất tuyệt vời của Khu Công nghệ cao cho Đại học Fulbright Việt Nam.
Theo ông John Kerry, cần một thị trường tự do và không gian để các bạn trẻ trao đổi ý tưởng. Tự do đó phải bắt đầu từ giáo dục và việc thành lập Đại học Fulbright là một khoản đầu tư thông minh mà chúng ta có thể làm cho thế hệ tương lai.
Nền giáo dục hiện nay sẽ quyết định cho tương lai của họ cũng như đất nước.
Cho rằng Việt Nam là đất nước được đánh giá rất cao về giáo dục, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry nhấn mạnh, Đại học Fulbright Việt Nam là bước phát triển tiếp theo của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam; đồng thời tin tưởng cơ sở đào tạo này sẽ có đóng góp lớn cho Việt Nam và trở thành một trung tâm giáo dục thời gian tới.
Theo lộ trình, đơn vị học thuật đầu tiên của FUV sẽ là Khoa Chính sách Công và Quản lý Fulbright khai giảng vào cuối năm 2016 với sự kế thừa đội ngũ nhân lực và Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Năm 2018, FUV sẽ thành lập Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Fulbright. Ở giai đoạn ổn định, trường sẽ có số lượng từ 6.000 đến 10.000 sinh viên.
Vũ Tiến Lực/TTXVN