Sau phiên điều trần trước quốc hội Anh hôm 26/5 của Dominic Cummings, người từng là trợ lý cấp cao của Thủ tướng Boris Johnsons, công luận đã hiểu thêm về sự "hỗn loạn" trong cách ứng phó với đại dịch Covid-19 trong những ngày đầu tiên của chính phủ Anh.

Ông Cummings cho biết London khi đó kiên quyết phản đối mọi tiếng nói kêu gọi học tập mô hình chống dịch của các nước châu Á, bởi vậy đã chẳng có câu chuyện thành công chống dịch nào trong những tháng đầu tiên Covid-19 bùng phát ở xứ sở sương mù.

Nhưng nay, những hình mẫu chống dịch thành công ở châu Á đang có dấu hiệu loạng choạng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bước sang một giai đoạn mới, với sự xuất hiện của nhiều biến chủng khó lường hơn.

"Cũng giống như Anh và các nước phát triển phương Tây từng không học hỏi từ những mô hình chống dịch khác, lúc này, có nguy cơ nhiều nước châu Á không thể thích ứng với sự biến đổi của đại dịch", James Crabtree, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, bình luận trong bài viết trên Nikkei Asia.

Những bài học từ thất bại ban đầu của phương Tây


Dựa trên số ca mắc bệnh và tử vong cao ngất ngưởng, không có gì nghi ngờ khi kết luận phản ứng trước dịch bệnh trong thời gian đầu Covid-19 bùng phát của Tây Âu và Mỹ là một thất bại.

Nhưng ngay cả trong câu chuyện mà Cummings miêu tả là "gần như điên rồ" đã xảy ra ở Anh cũng như nhiều nước phương Tây, vẫn có những bài học mà các quốc gia khác có thể lấy làm gương và tránh lặp lại sai lầm.

"(Những bài học) đặc biệt cần thiết trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á vật lộn đối phó làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới, với các biện pháp phòng dịch được siết chặt, từ Melbourne tới Singapore, từ Đài Bắc đến Tokyo", ông Crabtree bình luận.

Điểm đầu tiên cần nhắc đến, và cũng là điều hiển nhiên nhất, đó là vai trò của một chính phủ có đầy đủ nguồn lực trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng như Covid-19.

                                             Số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh ở một số nơi từng thành công kiểm soát sự lây lan của virus. Ảnh: Reuters.


So với nhiều nước châu Á, các quốc gia phương Tây chi rất nhiều tiền cho hệ thống an sinh xã hội. Nhưng một số quốc gia, như nước Anh, đã rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 dẫn tới những biện pháp thắt lưng buộc bụng.

London sau đó càng thêm phân tâm với những cuộc tranh cãi nội bộ xung quanh vấn đề Brexit.

Kết quả là nước Anh bước vào đại dịch Covid-19 với một bộ máy hành chính ọp ẹp, thiếu định hướng với 3 đời thủ tướng trong vòng 5 năm. Bộ máy này rốt cuộc đã cho thấy nó gặp vô vàn khó khăn khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế trăm năm mới có một lần.

Bài học thứ hai là mọi chiến lược chống dịch, dù thành công ở một giai đoạn nhất định, cũng không chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á từng là điển hình thành công trong kiềm chế Covid-19 thì nay đang lại đối mặt những làn sóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm virus tăng vọt. Không ít nước và vùng lãnh thổ chật vật cả trong thu mua vaccine lẫn đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng.

Nguyên nhân những thách thức nói trên một phần đến từ việc chậm trễ thu mua vaccine, như tại Đài Loan. Một số khác nằm ở hệ thống chăm sóc y tế thiếu tập trung như ở Malaysia và Thái Lan.

Đại dịch Covid-19 đòi hỏi không chỉ một kế hoạch ứng phó ban đầu tốt, mà cần đầu tư về lâu dài cho năng lực chăm sóc y tế và khả năng quản lý rộng khắp ở cấp nhà nước.

Một trong những bài học quan trọng nhất là cần liên tục thích ứng với sự biến đổi của dịch bệnh, và tại thời điểm này, đây là bài học lớn nhất với những nền kinh tế đã làm tốt nhất ở châu Á trong giai đoạn đầu như Australia, New Zealand hay Đài Loan.

Nhóm này hiện đối mặt thế lưỡng nan khó xử được chuyên gia Crabtree miêu tả là "lời nguyền của người thắng cuộc".

Các chuyên gia y tế nhận định Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành "một dịch bệnh đặc hữu trên quy mô toàn cầu". Các nước châu Âu và Bắc Mỹ - ban đầu thất bại trong ngăn chặn sự lây lan của virus - giờ lại nắm lợi thế, bởi các nước này vốn đã chuẩn bị để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chứ không phải xóa sổ virus.

Ngược lại, nhiều nước châu Á sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi rắc rối hơn. Một khi đã đạt tới mức độ tiêm chủng nhất định, những nền kinh tế như Australia hay Đài Loan cuối cùng sẽ phải dỡ bỏ các chiến lược chống dịch quyết liệt. Điều này đồng nghĩa chấp nhận số ca mắc, hay thậm chí tử vong vì Covid-19 tăng cao hơn, để đổi lại cơ hội tái mở cửa nền kinh tế.

Kiểm soát quá trình chuyển đổi, cũng như giải thích hướng đi này cho công chúng, sẽ là một nhiệm vụ không hề đơn giản.

Chung sống với Covid-19


Tại châu Á, những dấu hiệu chuyển hướng đầu tiên trong chính sách ứng phó và kiểm soát đại dịch Covid-19 đã xuất hiện.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong mới đây đã nói về kịch bản nước này "không thể xóa sổ hoàn toàn virus", khi đó người dân Singapore "sẽ phải sống chung với dịch bệnh".

Trong bài phát biểu hôm 31/5, Thủ tướng Singapore đã nói về "tình trạng bình thường mới", khi người dân phải chấp nhận xét nghiệm Covid-19 thường xuyên hơn. Đây có thể là một phần trong cách tiếp cận mới của Singapore trong kiểm soát Covid-19.

"Tôi không nghĩ Covid-19 sẽ biến mất. Nó sẽ tiếp tục tồn tại cùng với loài người và trở thành một căn bệnh đặc hữu. Virus sẽ tiếp tục lây lan tại các cộng đồng dân cư khắp thế giới trong nhiều năm tới", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Tiêm chủng được các chuyện gia coi là công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Nhưng sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới cũng tạo ra thêm hoài nghi đối với hiệu quả của vaccine.

                                                                               Thủ tướng Lý Hiển Long tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Channel NewsAsia.


Hai loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna có tỷ lệ hiệu quả tới 95% với chủng virus corona ban đầu ở Vũ Hán. Nhưng với sự xuất hiện của biến chủng B.1.617, tỷ lệ hiệu quả của hai loại vaccine này đã chỉ còn từ 70-77%, theo Channel NewsAsia.

Nhưng tin tốt là, dù vaccine Covid-19 không hoàn toàn bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2, nó giúp giảm tối thiểu nguy cơ mắc bệnh. Và ngay cả khi không may nhiễm virus, tiêm chủng cũng giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng.

Với sự xuất hiện của các loại vaccine, virus SARS-CoV-2 đứng trước áp lực đột biến để tiếp tục tồn tại.

Dù đa phần các đột biến thường làm virus suy yếu, vẫn có khả năng xuất hiện những đột biến khiến virus trở nên dễ lây lan hơn, có độc lực mạnh hơn, hay thậm chí có khả năng vượt qua hệ miễn dịch tạo ra bởi vaccine.

Trong 12 tháng qua, đột biến trên virus đã dẫn tới sự ra đời của hàng loạt biến chủng đáng lo ngại như biến chủng được phát hiện ở Anh, ở Nam Phi, ở Brazil, hay ở Ấn Độ. Vì thế, không loại trừ khả năng những biến chủng virus mới, nguy hiểm hơn, sẽ tiếp tục ra đời.

Ông Lý Hiển Long cho biết sẽ không thể tránh khỏi kịch bản các đợt bùng phát ở quy mô nhỏ xuất hiện trong tương lai. Dẫu vậy, cuộc sống của người dân sẽ vẫn phải tiếp tục.

"Mục tiêu của chúng ta là giữ cho toàn thể cộng đồng khỏe mạnh, những cũng phải chấp nhận vẫn sẽ có người nhiễm virus, giống như cách chúng ta chung sống với cảm lạnh hoặc sốt xuất huyết", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

"Chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến với làn sóng dịch bệnh hiện nay, nhưng làn sóng tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn. Chuẩn bị chung sống với Covid-19 nên bắt đầu ngay từ bây giờ", bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore, cho biết.

Theo Zing