Một phụ nữ giơ tấm biển “Hãy ngưng giết hại chúng tôi” trong cuộc biểu tình chống nạn bạo hành phụ nữ tại thành phố Tel Aviv, Israel, tháng 6/2020 - Ảnh: EPA
Với tính cách kiên định, đam mê khám phá sự thật đời sống, Bates là một trong số ít cá nhân sẵn sàng đối mặt rủi ro, công kích để lần giở đến cùng hàng loạt khía cạnh đặc biệt rùng rợn của “văn hóa” kỳ thị giới tính. Đến nay, nữ nhà văn người Anh mới tiết lộ lý do cho sự đánh đổi này.
Kỳ thị giới tính - vấn nạn vô hình
Đã hình dung trước một viễn cảnh tiêu cực nhưng Bates vẫn bất ngờ khi được tiếp cận không ít câu chuyện chân thật qua dự án Everyday Sexism. Lượng lớn tài khoản và bài chia sẻ thuộc về những phụ nữ trẻ, thậm chí một số thanh thiếu niên.
Ngược lại, thứ không khiến cô thấy kinh ngạc là hiện trạng xâm hại – kỳ thị diễn ra nhiễu nhương. “Nó luôn tiềm ẩn trước mắt chúng ta. Một thứ vấn nạn vô hình. Điều tôi muốn làm là ‘lôi’ nó ra ánh sáng”, cô bày tỏ.
Một hệ quả nguy hiểm Bates không thể lường trước, là vô số lời đe dọa cưỡng bức, tấn công, thậm chí uy hiếp tính mạng trực tiếp nhắm vào cô, khi Everyday Sexism bắt đầu nhận được sự chú ý.
Suốt 5 năm qua, Bates tập trung nhiều hơn cho việc giảng dạy và ít xuất hiện trước công chúng với tư cách văn sĩ. Những lời hăm dọa chết chóc từng bủa vây cô nay lắng dịu phần nào. Dẫu vậy, thế giới ảo – nơi đan xen không ít nỗi đau thật – vẫn là đề tài được cô chú trọng khai thác trong tác phẩm văn học vừa ra mắt, Men Who Hate Women (“Những gã đàn ông Ghét Phụ nữ”).
Trên không gian mạng, không khó để mường tượng đủ loại hình phong trào, sự kiện “bắt nạt tập thể” đầy tính bạo lực. “Incel” – thuật ngữ ám chỉ những nam giới độc thân thù ghét phụ nữ, hợp thành một trong những cộng đồng kỳ thị ác ý nhất hiện nay.
Hình dung khả năng trở thành trung tâm trong “cơn ác mộng” bạo lực đen tối của làn sóng kỳ thị ẩn danh, dễ khiến chúng ta rùng mình. Tuy nhiên, Bates không đứng từ góc độ một nạn nhân để tìm động lực cho dự án website và chuỗi tác phẩm sách kế đó. Trước cả Everyday Sexism, cô bắt đầu chặng đường đấu tranh chống lại vấn nạn bất bình đẳng giới dưới tư cách một nghiên cứu sinh (ngay sau khi Bates tốt nghiệp đại học).
“Lý do tôi bất chợt quyết định mình phải làm gì đó, bắt nguồn từ trải nghiệm kỳ quặc tôi có khi đi phỏng vấn cho đề tài nghiên cứu ở một loạt trường học tại Anh”, Bates kể.
Thế giới ảo - Tội ác thật
Ngang dọc khắp Anh quốc, cô đến từng lớp học, mỗi lớp khoảng 2 lần một tuần, để hỏi và gợi ý học sinh thảo luận về quyền phụ nữ. Ban đầu, Bates nói, những buổi trò chuyện “hầu như luôn diễn ra tích cực, như thể chúng tôi đang cùng cảm nhận một sự tiến bộ trong tư duy”. Thế nhưng, bỗng chốc, “có thứ gì đó thay đổi”.
“Tôi bắt đầu phỏng vấn đến nhóm học sinh nam trong trường, những người, ngược lại, tỏ thái độ như thể họ bị ‘đầu độc’ bởi ý tưởng thảo luận về nữ quyền. Để đáp trả, họ dùng một số lời cảm thán quá khích: nữ quyền là ung nhọt, mọi phụ nữ đều nói dối về việc bị cưỡng bức, đàn ông mới là nạn nhân thật sự … Khoảnh khắc ấy khiến tôi ngộ ra, có một thứ ‘khuôn mẫu’ kỳ dị đang được tái lập ở nhiều ngôi trường, từ vùng đồng quê đến thành thị tại Anh. Ai đó đang trưng cho học sinh của họ những con số thống kê, kiến thức lệch lạc về bình đẳng giới. Đó là lúc tôi định hình được vấn đề”.
“Everyday Sexism” được đánh giá cao như một tác phẩm rung động, mang đậm dấu ấn thời đại xoay quanh văn hóa và nhân quyền phụ nữ - Ảnh: The Book Castle
Phải đối diện, diễn giải vô vàn thông tin gai góc thu thập được, Bates thừa nhận: “Mức độ sự việc từng khiến tôi bàng hoàng đến nặng lòng. Tôi đã nghĩ con số hội nhóm, cộng đồng như thế không quá nhiều. Nhưng càng đào sâu điều tra, thứ tôi chứng kiến là hàng trăm ngàn người dùng, cùng hàng triệu người quan sát hành động kỳ thị tiếp diễn mỗi ngày trên nhiều website, diễn đàn trực tuyến đông đảo”.
Nơi thế giới mạng, một cộng đồng kỳ thị phụ nữ ẩn chứa không ít đặc trưng nghịch lý đến khó tin. Bates cho biết, “Như những nhóm incel, chẳng hạn. Họ luôn hô hào: Chúng tôi hoàn toàn căm ghét phụ nữ, họ không đáng được tôn trọng, nhưng sao họ không thích gần gũi với chúng tôi?”. Từng ẩn thân như một người dùng nam trên Internet, Bates có dịp tìm hiểu một vài lối hành xử kỳ thị thậm chí phảng phất dấu ấn dị giáo lẫn vi phạm nhân quyền sắc tộc, biểu hiện nơi lối suy nghĩ độc hại, ép buộc góc nhìn.
“Tuy nhiên, lần hiếm hoi tôi phải bật khóc, là khi đọc về một nhóm nam giới viết về một số phụ nữ vừa qua đời. Một kẻ tự xưng đã hành hung, giết hại một nạn nhân nữ, trên Internet, lại được nhóm này tung hô. Họ dùng lời lẽ còn mang tính xúc phạm và rùng rợn hơn để tấn công người đã mất”.
Nữ văn sĩ Laura Bates - Ảnh: The Guardian
Chặng đường nghiên cứu chông gai của Bates đưa đến chuỗi kết luận đầy ám ảnh: đang có hàng loạt hội nhóm cực đoan, lợi dụng thế giới mạng để phát tán tư duy kỳ thị giới tính. Điều này ảnh hưởng nguy hại đến nhiều người dùng mạng trẻ tuổi. Bên trong một không gian ảo rộng lớn, gần như luôn thiếu sự kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn hợp lý tội ác kỳ thị phụ nữ.
Nỗi kinh hoàng kể trên, dẫu khiến chúng ta bất ngờ hay trăn trở, cũng không còn mới. Như những dòng văn đầu Bates mô tả về dự án Everyday Sexism: “Tôi biết đây là một vấn đề lớn với toàn xã hội. Tôi cũng biết tôi không thể lập tức sửa chữa mọi thứ. Nhưng nếu tôi có thể khiến mọi người tìm hiểu và thức tỉnh về nó, tôi sẽ bắt đầu bằng cách này”.
Theo phunuonline