Cứ 10 người có 1 người đi ngủ với cái bụng đói 

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP -  tổ chức trực thuộc Liên hiệp quốc), có tới 783 triệu người, tương đương gần 1/10 dân số thế giới, phải đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói. Các cuộc khủng hoảng chồng chéo - hậu quả từ đại dịch COVID-19, chiến sự tại Ukraine, nhiều cuộc xung đột bạo lực và thảm họa khí hậu trên khắp thế giới - đã đẩy một số quốc gia vào khủng hoảng lương thực, làm trầm trọng thêm tình hình đói nghèo vốn đã rất tồi tệ ở các quốc gia khác.

Khí hậu cực đoan là nguyên nhân chính gây ra nạn đói toàn cầu. Chỉ riêng năm 2022, thiên tai đã đẩy 56,8 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Theo báo cáo Chỉ số đói kém toàn cầu (GHI) năm 2023 do các tổ chức phi chính phủ châu Âu thực hiện, 9 quốc gia thuộc nhóm đói kém đáng báo động là Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Lesotho, Madagascar, Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen. Ở 34 quốc gia khác, nạn đói được coi là nghiêm trọng. 

Những phụ nữ chạy trốn khỏi chiến tranh ở Sudan xếp hàng nhận thực phẩm tại trung tâm hỗ trợ của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Renk, Nam Sudan - Nguồn ảnh: Reuters
Những phụ nữ chạy trốn khỏi chiến tranh ở Sudan xếp hàng nhận thực phẩm tại trung tâm hỗ trợ của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Renk, Nam Sudan - Nguồn ảnh: Reuters
 
3 năm trước, lũ lụt đã biến những cánh đồng thành ao hồ khắp bang Jonglei của Nam Sudan, nơi khoảng 80% người dân sống dựa vào chăn nuôi và canh tác tự cung tự cấp. Không thể gieo trồng hoặc chăn nuôi gia súc, nhiều gia đình thiếu ăn và bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: tỉ lệ suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nạn đói cấp tính và tình trạng sức khỏe suy giảm đang đe dọa cuộc sống và hạnh phúc của hàng triệu người ở Nam Sudan.

Theo dữ liệu gần đây do WFP thu thập, 90% gia đình tại Nam Sudan đã nhịn đói qua nhiều ngày và đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng. 1/5 trẻ em ở nước này đang bị suy dinh dưỡng nặng. Liesbeth Aelbrecht - người quản lý sự cố của WHO ở vùng Sừng châu Phi - cho biết: “Nam Sudan chứng kiến tác động chồng chéo và phức tạp của xung đột, khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng nạn đói và dịch bệnh bùng phát.

Tình cảnh này đã và đang diễn ra trong vài năm và ngày càng trở nên tồi tệ hơn". Bà Aelbrecht gần đây đã đến thăm các cơ sở chăm sóc dành cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng ở thủ đô Juba và thành phố Bentiu. Bà kể: "Tôi đứng đó như một người ngoài cuộc, bất lực chứng kiến những đứa trẻ chết dần vì đói và vì các nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Suốt 25 năm làm việc trong lĩnh vực nhân đạo, đây là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất của tôi”. 

Hỗ trợ tìm sinh kế mới 

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA) cho biết, các hoạt động nhân đạo ở cả Sudan và Nam Sudan đều bị sụt giảm trầm trọng. Jens Laerke - người phát ngôn của OCHA - nói: “Nam Sudan và Sudan là những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với nhân viên cứu trợ. Năm 2023, chúng tôi đã mất 41 nhân viên trong lúc làm nhiệm vụ tại 2 nước này”.

Mặt khác, mùa mưa cùng lũ lụt khiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn và góp phần làm lây lan dịch bệnh. WFP đang cung cấp hỗ trợ lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của các gia đình ở biên giới Sudan - Nam Sudan, cũng như hỗ trợ dinh dưỡng chuyên biệt cho trẻ em và bà mẹ. Dù vậy, WFP phải giảm một nửa khẩu phần phân phát cho mỗi người vì thiếu kinh phí. Tổ chức này đang cần thêm 536 triệu USD trong 6 tháng tới để giúp đỡ khoảng 40% người chịu cảnh mất an ninh lương thực quanh khu vực. 

Trong dài hạn, thế giới cần thêm cơ chế tài trợ linh hoạt, cho phép các tổ chức phi chính phủ triển khai nhanh hơn những chương trình cứu trợ và hỗ trợ sinh kế. Các khoản đầu tư mang tính chiến lược vào nhóm giải pháp linh động có thể giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tại Zambia, thông qua chương trình “Hạt giống hy vọng” của tổ chức phi lợi nhuận Action Against Hunger, nông dân hiện đang trồng các loại cây thích ứng với khí hậu và thực hành các kỹ thuật quản lý đất đai mới ở những khu vực thường xuyên bị hạn hán.

Khoa học là chìa khóa để điều chỉnh nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm các giống cây trồng và vật nuôi mới. Ở vùng Sừng châu Phi, nơi hạn hán kéo dài giết chết gần 13 triệu con gia súc trong 3 năm qua, những con dê Galla - giống dê khỏe mạnh, chịu nhiệt và nhịn khát tốt - đã hỗ trợ sự sống còn của người dân.

Ở Pakistan, khi nước biển dâng cao hủy diệt các loại cây trồng truyền thống, sinh kế đang được bảo vệ thông qua các phương pháp canh tác mới, trồng các loại cây chịu mặn như củ cải đường. Tiến sĩ Charles E. Owubah - Giám đốc điều hành của Action Against Hunger - nhận định: “Chúng ta cần hành động khẩn cấp hơn để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, ngăn ngừa tình trạng mất đa dạng sinh học và thực hiện các hệ thống quản lý thực phẩm bền vững hơn. Giải quyết nạn đói liên quan đến khí hậu không chỉ là sứ mệnh nhân đạo mà còn là chìa khóa để thúc đẩy ổn định chính trị, phát triển lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Đối với hàng triệu người, đó là vấn đề sống còn". 

Theo phụ nữ TPHCM