|
|
Công nương xứ Wales tiết lộ rằng cô đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và đang trong giai đoạn đầu điều trị bằng hóa trị. Ảnh:BBC Studios. |
Cuối tuần vừa qua, hàng nghìn người dùng cá nhân đã bày tỏ sự ăn năn vì tham gia lan truyền tin đồn, tạo thuyết âm mưu về Công nương Catherine.
Trong số đó bao gồm cả những cái tên nổi tiếng.
Diễn viên Blake Lively đã lên tiếng xin lỗi và xóa bài đăng, sau khi gây tranh cãi vì chế giễu bức ảnh photoshop của Công nương xứ Wales chỉ để quảng bá thương hiệu đồ uống.
"Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã có bài đăng ngớ ngẩn xoay quanh ‘lỗi photoshop’. Bài đăng đó khiến lúc này tôi thực sự xấu hổ. Tôi rất xin lỗi. Gửi tình yêu và lời chúc tốt đẹp đến các bạn", ngôi sao Gossip Girl chia sẻ trên Instagram Story.
Hôm 22/3, Cung điện Kensington công bố video Công nương Catherine chia sẻ cô được chẩn đoán ung thư và đang trong quá trình hóa trị.
Sau tuyên bố này, TikTok, Facebook, Instagram và X (trước đây là Twitter), lần lượt bị xướng tên phê phán về vấn đề liên quan đến tin đồn, theo Guardian.
"Vụ bê bối Kategate"
Suy đoán trước đó về nơi ở và sức khỏe của Công nương Catherine, trước những thông tin mâu thuẫn mà Cung điện Kensington công bố, chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội Anh.
Bức ảnh được đăng tải vào Ngày của mẹ, vốn được cho là nhằm mục đích làm dịu dư luận sau nhiều ngày Công nương xứ Wale vắng mặt, nhưng lại gây ra “cơn bão” khủng hoảng cho hoàng gia Anh.
Vụ bê bối này sau đó được gọi là "Kategate". Đây là cách chơi chữ, kết hợp tên của Kate Middleton với "gate" - hậu tố thường được sử dụng để đặt tên cho vấn đề gây tranh cãi.
Guardian ví von trong khi các tờ báo Anh tỏ ra “kiềm chế”, thận trọng khi đăng tải thông tin, thì điện thoại nhiều người vẫn liên tục sáng lên bởi thông báo xoay quanh những thuyết âm mưu.
“Kategate trở thành một phần trong ngành công nghiệp ‘mồi nhử trực tuyến’ (tạo ra nội dung mang tính giật gân nhằm lôi kéo người dùng bấm vào trang web để tăng lượt tương tác) bởi tính chất bí ẩn và thu hút khán giả tham gia”, cây bút Helen Lewis của tạp chí Atlantic nhận định.
“Một trong những quy tắc của Internet là mọi người thích đặt chính bản thân họ vào câu chuyện. Ở đây, mọi người đều có cơ hội trở thành nhân vật chính trong bộ phim điều tra của riêng mình”, cô cho hay.
Rosie Boycott, thành viên Thượng viện Anh, đồng thời là cựu biên tập viên của tờ Independent và Daily Express, coi đây là "bộ phim đáng xấu hổ".
"Tôi hy vọng mọi người cảm thấy xấu hổ trước những tin đồn tiêu cực về Kate trên Internet", bà nói.
|
|
Trang nhất các tờ báo Anh đồng loạt đăng hình ảnh Công nương xứ Wales Catherine cùng các con. Ảnh:Shutterstock. |
"Có thể đã có cuộc họp được tổ chức với một số biên tập viên báo chí Anh, yêu cầu họ xem xét vấn đề này nghiêm túc. Nhưng chúng ta không có phương thức nào kiểm soát phương tiện truyền thông xã hội. Sau đó, thông tin lan truyền nhanh chóng trở thành câu chuyện", bà cho hay.
Lời cảnh tỉnh
Bắt đầu từ thời điểm bức ảnh Ngày của Mẹ được công bố vào ngày 10/3, Thân vương và Vương phi xứ Wales rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Những lỗi photoshop được phát hiện làm tăng thêm suy đoán về sự biến mất của Công nương Catherine sau nhiều ngày vắng mặt trước công chúng.
Các thuyết âm mưu tràn ngập mạng xã hội khi người nói rằng cô không phẫu thuật bụng mà là "dao kéo" cải thiện vòng 3, người thì đào lại nghi vấn ngoại tình của Thân vương xứ Wales William từ nhiều năm trước.
Tình hình không được cải thiện dù video ghi lại cảnh vợ chồng Thân vương William đi mua sắm ở cửa hàng nông sản được The Sun công bố vào ngày 18/3. Chất lượng hình ảnh không quá sắc nét nhưng vẫn thấy được cả hai cười nói vui vẻ.
Tuy nhiên, video quay trộm này không đủ thỏa mãn công chúng. Họ không tin và thậm chí cho rằng người trong video là thế thân của Công nương Catherine.
“Đó là môi trường trực tuyến “hoang dã” hỗn loạn và không kiểm soát, một phần do tính ẩn danh”, Boycott nhận định. “Nhưng vụ Kategate thật sự kinh khủng và tôi không hiểu lý do, ngoại trừ việc nó mang lại cho chúng ta cảm giác sở hữu hoặc kiểm soát người nổi tiếng”.
|
|
Một số người đã bày tỏ sự ăn năn vì tham gia lan truyền tin đồn, tạo thuyết âm mưu về Công nương Catherine. Ảnh:Shutterstock. |
Theo Lewis, sự thiếu hụt thông tin thực đã góp phần “sinh ra” những nội dung trực tuyến trên.
“Có một phần sự thật nhỏ giữa tất cả suy đoán, đủ để khiến thuyết âm mưu không hoàn toàn vô lý. Tình cờ, Cung điện Kensington đã kích thích ngọn lửa thay vì dập tắt nó", cô nói.
“Bạn có thể đã xem video giải thích việc bức ảnh chụp Công nương Catherine và các con bị chỉnh sửa đáng ngờ như thế nào - đúng như vậy. Điều này làm cho những thông tin hoang đường về người thay thế và sử dụng trí tuệ nhân tạo trở nên hợp lý hơn”, cô cho hay.
Lewis nhận định một số người làm điều này với hàm ý châm biếm, nhưng một số khác lại tự nhận đang cố gắng “cứu” Công nương Catherine, theo cách gợi nhớ đến câu chuyện xung quanh Britney Spears.
Cùng với việc Công nương Catherine lên tiếng, sẽ có rất nhiều người cảm thấy tồi tệ về cách hành xử của bản thân. Lời cảnh tình về việc lan truyền tin đồn trên mạng có thể sẽ tồn tại trong một thời gian do tình chất nghiêm trọng và nhạy cảm của vấn đề.
Bản thân lãnh đạo X cũng cố gắng định vị lại hình ảnh nền tảng của mình bằng cách kêu gọi lòng trắc ẩn.
“Một thông điệp dũng cảm được Công nương Kate gửi đi với sự duyên dáng đặc trưng của cô ấy”, giám đốc điều hành X Linda Yaccarino cho hay.
"Yêu cầu của cô ấy về sự riêng tư để bảo vệ con cái và cho phép cô tiếp tục cố gắng (không bị ảnh hưởng bởi những suy đoán không ngừng) là yêu cầu chính đáng để được tôn trọng".
Dẫu vậy, Guardian nhận định sự “thèm muốn” cập nhật thông tin về trạng thái về sức khỏe thành viên Hoàng gia Anh sẽ không mất đi.
Cung điện Kensington có thể phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ thông tin về vương hậu tương lai mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư về y tế của cô.
Theo lifestyle.znews