Nhiều chuyên gia cho rằng thế giới khó đạt miễn dịch cộng đồng dù đã chích ngừa đầy đủ do sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới
Trong tháng này, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ đã đưa ra ước tính rằng, trước sự xuất hiện của các biến thể có tốc độ lây lan nguy hiểm như Delta, nước này có thể cần phải tiêm chủng cho 80%, thậm chí gần 90% dân số, thì mới có khả năng đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các quan chức y tế công như Anthony Fauci đã gây ra nhiều tranh cãi khi đưa một số thay đổi về sách lược, làm cho tỷ lệ người được tiêm chủng ở Mỹ tăng chậm lại.
Trong khi đó, sự do dự trong việc triển khai tiêm ngừa và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin lại khiến một số nước trên thế giới gần như không có cải thiện gì về tỷ lệ tiêm ngừa so với trước đó, làm cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng càng trở nên xa vời.
“Liệu thế giới có đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 hay không? Tôi cho rằng, dựa vào tiêu chí về tỷ lệ tiêm ngừa như trên, thì điều này rất khó xảy ra”, Greg Poland - Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vắc xin thuộc Mayo Clinic (một trung tâm nghiên cứu, đào tạo y khoa và chăm sóc y tế ở thành phố Rochester, bang Minnesota, Mỹ) - nhận định.
“Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng đạt đến con số 95% thì trạng thái miễn dịch cộng đồng cũng khó có thể xảy ra. Lý do là khả năng xuất hiện những biến thể mới, có thể vô hiệu hóa các loại vắc xin hiện hữu, là rất cao”, ông Poland nói thêm.
“Thêm vào đó, vấn đề không đơn giản là nếu một người đã bị nhiễm COVID-19 một lần thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời. Nếu điều đó xảy ra thì thật là lý tưởng, nhưng tôi không nghĩ như vậy”, S.V. Mahadevan - Giám đốc tổ chức South Asia Outreach của Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục sức khỏe châu Á, thuộc Khoa Y, Đại học Stanford - giải thích.
Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy một số người và một số nơi - như Brazil và các quốc gia khác ở Nam Mỹ - đang bị đánh bại trước một đợt bùng phát dịch nguy hiểm lần thứ hai với sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng và COVID-19 sẽ vẫn còn tồn tại trong nhiều thập kỷ dưới một số hình thức, thì ngay cả các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới cũng sẽ buộc phải thay đổi các chiến lược về mở cửa biên giới và vận hành nền kinh tế.
Theo đó, các quốc gia vốn đã và đang theo đuổi chính sách “xóa sổ COVID-19” như Trung Quốc sẽ có thể phải cân nhắc việc nới lỏng biên giới và các biện pháp hạn chế. Những nước khác như Mỹ và Anh, vốn đã mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống của người dân trở về bình thường, sẽ có nguy cơ đối mặt với những làn sóng lây nhiễm mới.
Trong khi đó, cho đến nay, vắc xin vẫn chưa phải là giải pháp ngăn chặn dịch nhanh chóng như một số nước đã hy vọng. Israel - một trong những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới - đã bắt đầu tiêm nhắc lại cho người dân của nước này, trong bối cảnh có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiêm ngừa như hiện tại không có tác dụng ngăn ngừa COVID-19 lâu dài như mong đợi.
“Theo quan điểm của tôi, các nước không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào trạng thái miễn dịch cộng đồng. Đó là một cách nhìn không thực tế về việc xuất hiện và chấm dứt của đại dịch, và không lý giải được về sự phát triển của virus hoặc đặc tính tự nhiên của dịch bệnh đối với các trường hợp bị tái nhiễm”, William Hanage - một nhà dịch tễ học và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa công Harvard T.H Chan - nhận định
Từ những thực tế trên, một số nước đang thay đổi chiến lược để “sống chung” với dịch. Đi đầu trong số đó, Indonesia- quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới - đã xác định rằng nước này sẽ không thể “tiêu diệt” COVID-19 hoàn toàn, ngay cả khi tất cả người dân đã được tiêm ngừa. Vì vậy, Indonesia đang tăng gấp đôi nỗ lực để yêu cầu người dân đeo khẩu trang và thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm ngừa.
Trong khi đó, Singapore và Australia đang nới lỏng việc mở cửa, và đã đưa ra một số tín hiệu cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này khi đạt được tỷ lệ tiêm ngừa cao hơn.
Theo các chuyên gia, sớm nhất cũng phải đến năm 2022, thế giới mới có thể đẩy lùi đại dịch COVID-19. Nhưng mục tiêu này có thể bị đẩy lùi nếu thế giới lại xuất hiện các biến thể mới, dễ lây lan hơn hoặc thậm chí kháng vắc xin tốt hơn.
Và khi đại dịch chưa thể kết thúc với trạng thái miễn dịch cộng đồng, các chuyên gia khuyên rằng, cách tốt nhất để làm giảm bớt tác động của dịch vẫn là tiêm ngừa, đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp can thiệp khác.
“Sau đó, nếu chúng ta may mắn, thì COVID-19 có thể cũng chỉ trở thành một bệnh cúm bình thường, và chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục tiêm ngừa để hạn chế bị nhiễm bệnh và sống chung với nó”, ông Poland nói.
Theo phunuonline