Ngày 24/6, không chỉ cả nước Mỹ dậy sóng, mà trên toàn cầu, hàng loạt quốc gia cũng bàng hoàng trước quyết định lật ngược phán quyết trong vụ kiện Roe v Wade của Tòa án Tối cao đất nước cờ hoa. Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ đã xóa bỏ cơ sở pháp lý ở cấp liên bang bảo vệ quyền phá thai đã tồn tại trong hơn 50 năm.

Quyết định này được cho là sẽ dẫn đến lệnh cấm phá thai ở khoảng một nửa số bang của Mỹ. Chỉ vài năm trước, đây từng là phán quyết không thể tưởng tượng được.

Trong khi một vài người ăn mừng, phản ứng của phần lớn mọi người và quốc gia là phẫn nộ, cũng như lo sợ phán quyết sẽ lan tác động của nó đến toàn thế giới, tạo thành “bước thụt lùi” cho lịch sử đấu tranh về nhân quyền nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng.

“Đó là một cái tát vào mặt phụ nữ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi xúc động nói.

“Ngày đen tối nhất của phụ nữ”

Biểu tình sục sôi khắp nước Mỹ sau khi Tòa án Tối cao quyết định chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ. Bên ngoài tòa án và trên khắp đất nước, hàng nghìn người tụ tập để biểu tình, có tiếng la hét tức giận, và cả những giọt nước mắt thất vọng khi quyền tự quyết đối với chính cơ thể của họ bị xâm phạm.

Toa an My cam pha thai anh 2

Người biểu tình ủng hộ quyền phá thai bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Ảnh:AFP.

Một số người thậm chí bán khỏa thân để nhấn mạnh quyền tự do đối với thân thể họ.

Tổng thống Biden gọi đây là một bước lùi "đưa nước Mỹ trở lại 150 năm trước" và 24/6 là "ngày buồn của nước Mỹ". Dẫu vậy, ông vẫn khẳng định “điều này không có nghĩa là cuộc đấu tranh của chúng ta kết thúc”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ: “Phụ nữ Mỹ ngày nay có ít tự do hơn mẹ của họ. (Phán quyết này) là một sự xúc phạm đối với họ”. Bà Pelosi nhấn mạnh khi nói thêm rằng phán quyết là một sự xâm phạm đến “quyền tự do sinh sản” của phụ nữ.

Bà đồng thời cam kết “quốc hội sẽ tiếp tục hành động để vượt qua chủ nghĩa cực đoan và bảo vệ người dân Mỹ”.

Bên ngoài đất nước, hàng loạt nhà lãnh đạo, quan chức và học giả khắp nơi đã đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ của mình ngay sau khi tin tức ở Mỹ bùng nổ trên toàn thế giới.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích quyết định của tòa Mỹ là "kinh khủng".

"Không một chính phủ, chính trị gia hay một người đàn ông nào nên nói với phụ nữ những gì cô ấy có thể và không thể làm với cơ thể của mình", ông Trudeau viết trên Twitter.

Ở lục địa bên kia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chia sẻ nỗi lo ngại đối với các quyền của phụ nữ ở Mỹ: "Tôi bày tỏ lòng đoàn kết với những phụ nữ có quyền tự do ngày nay đang bị Tòa án Tối cao Mỹ thách thức".

Toa an My cam pha thai anh 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng 24/6 là "một ngày buồn của nước Mỹ". Ảnh:ABC News.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde lập luận rằng phá thai hợp pháp và an toàn là quyền cơ bản. “Việc tước đoạt quyền cá nhân của phụ nữ là một cú giật lùi sau nhiều thập kỷ đấu tranh khó khăn”, bà nói.

Cũng như một số nhà lãnh đạo thế giới khác, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định quyết định của Tòa án Tối cao sẽ có "tác động lớn" trên toàn thế giới.

"Tôi nghĩ đó là một bước thụt lùi lớn. Tôi luôn tin vào quyền lựa chọn của phụ nữ và tôi kiên định với quan điểm đó. Đó là lý do nước Anh có luật lệ như vậy", ông Johnson nói.

“Đây là một trong những ngày đen tối nhất đối với quyền của phụ nữ trong cuộc đời tôi”, nhà lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon viết trên Twitter chỉ vài phút sau khi quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ được đưa ra.

Một số nhóm hoạt động đã ủng hộ việc phá thai hợp pháp với lý do lệnh cấm sẽ chỉ làm cho việc phá thai kém an toàn hơn và khiến tính mạng phụ nữ gặp rủi ro.

David Miliband, Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ Quốc tế và là cựu Ngoại trưởng Anh, tin rằng quyết định của Tòa án Tối cao "đánh dấu một ngày đen tối đối với quyền sinh sản và quyền tự chủ về cơ thể không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới”.

Debora Diniz, giáo sư khoa luật tại Đại học Brasília, Brazil, nhận định hôm 24/6 là “ngày đau khổ đối với phụ nữ, trẻ em gái và mọi người ở Mỹ”.

“Tôi bày tỏ tình đoàn kết của tôi với tất cả phụ nữ, trẻ em gái và những người khác sống ở Mỹ, nơi phá thai không an toàn và bị hình sự hóa”, bà nói.

Toa an My cam pha thai anh 4

Biểu tình phản đối quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6 ở Missouri. Ảnh:Reuters.

Vickie Remoe, một nhà văn từ Sierra Leone, nói thêm rằng bà thất vọng bởi quyết định mà bà coi là "một cuộc tấn công vào thời đại của phụ nữ."

“Tôi cũng lo lắng về những tác động toàn cầu sâu rộng mà điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận phá thai an toàn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi”, Remoe viết trong trên Twitter.

Alvaro Bermejo, Tổng giám đốc của Liên đoàn Phụ huynh có kế hoạch Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định này sẽ thúc đẩy “các phong trào chống phá thai, chống phụ nữ và chống giới tính và tác động đến các quyền tự do sinh sản khác”.

Nước Mỹ “lạc nhịp”

Với quyết định này, Mỹ hiện là một trong chỉ 3 quốc gia hạn chế tiếp cận phá thai trong thế kỷ XXI, theo Washington Post.

Trong vài thập kỷ qua, hơn 50 quốc gia đã tự do hóa luật phá thai của họ, theo Trung tâm Quyền sinh sản, một nhóm vận động toàn cầu phản đối các hạn chế phá thai.

Mỹ đã “lạc nhịp so với cam kết thúc đẩy nhân quyền của cộng đồng toàn cầu”, hơn 100 tổ chức chăm sóc sức khỏe toàn cầu lên tiếng trong một tuyên bố chung hôm 24/6.

Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng Tòa án Tối cao đang "khiến Mỹ trở thành một nước ‘lạc nhịp’ trong số các quốc gia phát triển trên thế giới". Ông đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo việc phá thai hợp pháp.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tối 24/6 cũng đã nhấn mạnh rằng bộ của ông vẫn "hoàn toàn cam kết" giúp cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản trên toàn thế giới và cho các nhân viên của mình.

Toa an My cam pha thai anh 5

Một người biểu tình ở New York cầm biểu ngữ ghi "Hãy dỡ bỏ những lệnh cấm lên cơ thể của chúng tôi". Ảnh:Reuters.

Trong những năm gần đây, các quốc gia bao gồm Argentina, Colombia, Ireland và Mexico đều đã mở rộng khả năng tiếp cận phá thai.

Người Ireland theo Công giáo đã lật ngược lệnh cấm phá thai trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2018. Trong khi đó, Mỹ Latin, từ lâu là thành trì chống phá thai, cũng đang tiến tới tự do hóa luật pháp của mình.

“Năm 2018, người dân Ireland đã tuyên bố to và rõ ràng rằng sẽ bãi bỏ một trong những lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt nhất trên thế giới, mang lại cho phụ nữ Ireland quyền của họ”, Jennifer Cassidy, một nhà ngoại giao và học giả Ireland, viết trên Twitter.

Vào tháng 2, Colombia đã hợp pháp hóa việc phá thai khi mang thai dưới 24 tuần. Chile ngay sau đó cho biết họ sẽ ghi vào hiến pháp của mình việc hủy bỏ quy định của pháp luật về việc cấm phá thai.

Mexico năm ngoái đã có quyết định lịch sử của Tòa án Tối cao của họ, tuyên bố việc cấm phá thai là vi hiến.

“Hiếm khi tôi tự hào là một phần của Tòa án Tối cao Mexico như ngày hôm nay”, chánh án Arturo Zaldivar viết trên Twitter sau khi tin tức ở Mỹ bùng nổ trên toàn cầu, ám chỉ rõ ràng đến quyết định của tòa án Mỹ.

Những người vui mừng ít ỏi

Trong các cuộc biểu tình tại Mỹ, một số người chống quyền phá thai cũng đã ra đường ăn mừng trước nước mắt và sự thất vọng của những người ủng hộ.

Trong tuyên bố sau khi tòa án ra phán quyết lật lại quyền phá thai, cựu Tổng thống Donald Trump là một trong những người tỏ ra vui mừng. Ông thậm chí còn nhận công, cho rằng quyết định này "chỉ được thực hiện vì tôi đã làm mọi thứ như đã hứa, bao gồm việc đề cử 3 thẩm phán vào Tòa án Tối cao".

"Chúa đã đưa ra quyết định", ông Trump trả lời Fox News ngày 24/6.

Toa an My cam pha thai anh 6

Luật sư về quyền phụ nữ Gloria Allred kể về trải nghiệm phá thai đau đớn trước khi phá thai được hợp pháp hóa, khi người biểu tình tập trung bên ngoài Tòa án số một Mỹ để phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Ảnh:AFP.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã đề cử 3 thẩm phán bảo thủ, làm thay đổi cán cân chính trị của Tòa án Tối cao sang phía cánh hữu - những người từng nhiều lần cố lật ngược phán quyết “Roe v Wade”.

Cựu Phó tổng thống Mike Pence cũng ăn mừng sau quyết định của tòa án. Là một người chống quyền phá thai lâu năm, ông Pence thậm chí kêu gọi lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.

Nghị sĩ Mike Waltz, một đảng viên Cộng hòa, lập luận rằng Mỹ là "một trong số ít các quốc gia trên thế giới cho phép phá thai theo yêu cầu”. "Ngay cả hầu hết quốc gia châu Âu duy trì một số hạn chế đối với việc phá thai", ông nói.

Theo ông, quyết định của Tòa án Tối cao "sẽ cứu sống hàng triệu sinh mạng".

Một số thành viên phe cực hữu của châu Âu cũng lên tiếng tán thành. Beatrix von Storch, thành viên cấp cao của đảng Alternative for Germany (Con đường khác cho nước Đức) của Đức, viết trên Twitter rằng quyết định này là "tốt".

“Điều này sẽ tỏa ra toàn bộ phương Tây”, von Storch viết.

Trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới, quyết định của tòa án Mỹ có thể nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một đồng minh của ông Trump, và những người theo đạo Tin lành của đất nước ông.

Trước sự bùng nổ ở Mỹ, Brazil đã có những tranh cãi xung quanh việc một bé gái 11 tuổi bị cưỡng hiếp và sau đó phá thai ở tháng thứ 7.

Tổng thống Bolsonaro đã chỉ trích quyết định của tòa án cho phép bé gái phá thai. Ông Bolsonaro không đề cập tình hình tại Washington, nhưng con trai ông - một nghị sĩ - nói rằng "việc bảo vệ sự sống đang hồi sinh ở Mỹ".

“Chiến thắng ở Mỹ đến một ngày sau thất bại của chúng tôi ở Brazil, với vụ ‘sát hại’ em bé của một bé gái 11 tuổi”, Carol De Toni, quan chức cấp cao của bang Santa Catarina, viết trên Facebook.

Theo Zing