|
|
Lòng sông ở Trùng Khánh trơ đáy hồi tháng 8. Ảnh: AP. |
Nắng nóng ở Mỹ, cháy rừng ở châu Âu, lũ lụt ở châu Á. Mùa hè vừa qua đã cho thế giới thấy khủng hoảng khí hậu chuyển biến thành thời tiết khắc nghiệt đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Pakistan là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Lũ lụt đã nhấn chìm hơn 1/3 diện tích đất nước và khiến gần 1.500 người thiệt mạng.
Giới khoa học chưa thể nói chắc chắn biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt, nhưng họ cho rằng đó là có thể là một phần nguyên nhân. Biến đổi khí hậu khiến lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, theo New York Times.
Liên tiếp hứng chịu loạt thảm họa thời tiết
Trước khi hứng chịu lũ lụt, Pakistan trải qua đợt nắng nóng tàn khốc vào đầu năm nay, khi nhiệt độ chạm mốc trên 48,9 độ C. Giới khoa học kết luận hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến cho những đợt nắng nóng tương tự diễn ra thường xuyên hơn.
Nhiều nơi khác trên thế giới cũng chứng kiến nhiều thảm họa khí hậu.
Tại Mỹ, đợt nắng nóng ở Bờ Tây khiến nhiệt độ tăng vọt trên mức 43,3 độ C trong vài ngày qua. Khoảng 100 triệu người Mỹ đã phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt vào đầu mùa hè này. Lũ lụt cũng tàn phá nhiều vùng của Mỹ, bao gồm bang Kentucky và Missouri.
Đợt nắng nóng trước đó tấn công Pakistan cũng tác động đến Ấn Độ. Không chỉ vậy, hạn hán nghiêm trọng cũng xảy ra ở Ấn Độ vào mùa hè này, làm giảm lượng xuất khẩu lương thực. Và lũ lụt ở Bengaluru, thủ phủ công nghệ của Ấn Độ, buộc nhiều người phải đi thuyền và máy kéo để đến văn phòng.
Các con sông trơ cạn đáy trong đợt nắng nóng và hạn hán ở Trung Quốc. Điều này làm ảnh hưởng tới các đập thủy điện và gián đoạn hoạt động của các tàu chở vật tư.
Anh cũng không nằm ngoài danh sách những nơi ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ khi xác lập mốc nhiệt 40 độ C hồi tháng 7.
Nhiều nước châu Âu đã trải qua đợt nóng khủng khiếp, trong khi hạn hán làm lộ xác nhiều con tàu chìm từ Thế chiến II và gián đoạn ngành công nghiệp du lịch trên sông. Cháy rừng trong năm nay thiêu rụi diện tích đất gần gấp 3 lần so với mức trung bình giai đoạn 2006-2021.
Vào tháng 4, lượng mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất ở Nam Phi khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.
Thời tiết cực đoan là "điều bình thường mới"?
Nhiệt độ tăng cao khiến cho các đợt nắng nóng thường xuyên và gay gắt hơn. Nắng nóng kéo dài gây ra thêm nhiều đợt hạn hán và cháy rừng khốc liệt. Và khi trời ấm lên, lượng nước bốc hơi từ các đại dương nhiều hơn, độ ẩm trong không khí cao hơn, và sau đó tới lượng mưa lớn hơn, gây lũ lụt và lở đất.
Tác giả German Lopez của tờ New York Times gọi thời tiết mùa hè khắc nghiệt là "điều bình thường mới".
Tuy nhiên, ông cho biết nhiều chuyên gia không đồng tình với ý kiến này. Họ nhận định gọi thời tiết khắc nghiệt là điều bình thường khiến nhiều người cho rằng con người đã đạt tới trạng thái ổn định.
"Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Quá trình công nghiệp hóa thải ra khí nhà kính trong hơn một thế kỷ. Những khí đó có trong bầu khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và thời tiết khắc nghiệt. Lượng khí thải trong quá khứ và tương lai sẽ tiếp tục khiến hành tinh nóng lên trong vài thập niên tới, dẫn đến nhiều thảm họa hơn nữa", Kim Cobb - Giám đốc Viện Môi trường và Xã hội Brown - cho biết.
|
|
Hifjur Rehman - 40 tuổi, sống trong gia đình có 3 đời làm nông - ngã gục trước cánh đồng bị lũ lụt phá hủy ở bang Assam, Ấn Độ. Ông Rehman lo lắng về việc phải trả nợ cho ngân hàng. Ảnh:New York Times. |
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng điều này không có nghĩa là thế giới chỉ đứng nhìn thảm họa xảy ra. Giảm phát thải khí nhà kính, như luật chi tiêu mới từ đảng Dân chủ của Mỹ, vẫn có thể làm giảm nguy cơ đối mặt với thiên tai khí hậu trong trung hạn.
Trong ngắn hạn, con người có thể tìm cách thích ứng, ví dụ quản lý rừng tốt hơn để giảm nguy cơ cháy rừng, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với lượng mưa lớn và lũ lụt.
Ngoài ra, không phải năm sau lúc nào cũng tồi tệ hơn năm trước. Các yếu tố không liên quan tới biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến thời tiết, chẳng hạn như hiện tượng El Niño và La Niña.
|
|
Các nạn nhân lũ lụt xếp hàng bên ngoài một ngân hàng để nhận cứu trợ ở tỉnh Sindh, Pakistan. Ảnh:AFP. |
Tuy vậy, các nước đang hoặc kém phát triển thiếu nguồn lực để thích ứng với khí hậu nếu như không có viện trợ từ bên ngoài. Tình hình khí hậu thay đổi nhanh chóng cũng có thể làm những kế hoạch trước đó đổ bể.
Ví dụ, sau trận lụt lịch sử năm 2010, Pakistan đã xây dựng lại một cây cầu bị mưa lũ phá hủy cao hơn hẳn gần 5 m. Năm nay, cây cầu vẫn bị ngập trong nước lũ.
Không chỉ vậy, bất bình đẳng về khí hậu còn thể hiện rõ ở nhiều mặt. Các quốc gia nghèo hơn thải ra ít khí nhà kính hơn so với các nước phát triển. Thế nhưng, một số nước lại phải gánh chịu hậu quả tồi tệ nhất mà biến đổi khí hậu gây ra.
Theo zingnews