Năm 2018, bộ phim Crazy rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu hơn 238 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí chỉ 30 triệu USD. Tác phẩm này gây chú ý vì là một trong những lần hiếm hoi Hollywood làm phim về cuộc sống người châu Á đương đại.

Bộ phim khắc họa nhiều mảnh đời phụ nữ khác nhau, để lại nhiều thông điệp tích cực
Bộ phim khắc họa nhiều mảnh đời phụ nữ khác nhau, để lại nhiều thông điệp tích

Trở ngược lịch sử, bộ phim gần nhất của Hollywood có dàn diễn viên toàn người châu Á là The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội, 1993). Khi đó, tác phẩm của đạo diễn Wayne Wang cũng gây tiếng vang nhưng đáng tiếc không trở thành cú hích phòng vé.

Dù vậy, chất lượng nghệ thuật của The Joy Luck Club được bảo chứng bởi hàng loạt nhận xét tích cực từ giới phê bình. Đến năm 2020, tác phẩm đã vĩnh viễn lưu lại dấu ấn trong lịch sử điện ảnh khi được Viện Lưu trữ phim quốc gia Mỹ chọn để bảo quản. The Joy Luck Club đạt vinh dự này nhờ hội đồng tuyển chọn đánh giá là có tầm quan trọng về văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Amy Tan, ra mắt vào năm 1989. Ngay khi sách xuất bản, đạo diễn Wayne Wang đã thích thú và tìm gặp tác giả để bàn việc chuyển thể. Một trở ngại chính cho dự án là dàn diễn viên quan trọng đều sẽ là người gốc Á, điều chưa từng có ở phim Hollywood trước đây. Tác phẩm được cho là khó thu hút khán giả đại chúng Mỹ - những người ít nhiều xa lạ với câu chuyện lẫn dàn diễn viên.
The Joy Luck Club quy tụ dàn diễn viên toàn người châu Á
The Joy Luck Club quy tụ dàn diễn viên toàn người châu Á

Dù vậy, bộ phim nhận được sự đỡ đầu của nhiều tên tuổi như Janet Yang và đặc biệt là Oliver Stone - người nổi tiếng với các phim về chiến tranh Việt Nam. Yang và Stone trở thành các đồng giám đốc sản xuất của The Joy Luck Club. Ở vị trí biên kịch là chính tác giả sách Amy Tan và Ronald Bass - người vừa thắng Oscar biên kịch vào năm 1988 (phim Rain Man).

Bốn mảnh thân phận cuộc đời

Bộ phim hầu như theo sát mạch truyện, chỉ có một số ít biến tấu về tình tiết. Không phải một tổ chức bí hiểm gì, The Joy Luck Club là một nhóm bốn phụ nữ Mỹ gốc Hoa lớn tuổi sống ở San Francisco. Họ thường tụ tập chơi mạt chược và kể cho nhau nghe các câu chuyện về gia đình. Cả bốn đều từ Trung Quốc di cư đến Mỹ, tái hôn và sinh con ở quê hương mới.

Suyuan (Kiều Chinh) qua đời khiến con gái là June (Ming-Na Wen) thay chỗ mẹ trên bàn mạt chược. June đã bắt liên lạc được với những người chị thất lạc của cô ở Trung Quốc. Trước đó, mẹ cô đã phải bỏ lại những đứa con này trong cảnh loạn lạc thời chiến.

Diễn viên Kiều Chinh (phải)
Diễn viên Kiều Chinh (phải)

Ở buổi tiệc tiễn June đi Trung Quốc, hoàn cảnh xúc động khiến những người bạn của mẹ cô hồi tưởng quá khứ của mình. Từng mảnh đời với thân phận khác nhau dần hé lộ với khán giả. Từ đây, bộ phim từ bỏ lối kể tuyến tính thông thường mà chẻ ra thành nhiều câu chuyện nhỏ.

Lindo (Tsai Chin) là người phụ nữ luôn tỏa ra khí phách của một bà chủ sắc sảo. Mới 15 tuổi, bà đã bị gả cho một thiếu gia mà chẳng hề có tình yêu với cậu ta. Lindo trải qua bốn năm tù túng trước khi lập mưu để thoát khỏi cuộc đời bất hạnh này. Ở Mỹ, cô tái hôn và sinh con gái Waverly (Tamlyn Tomita) - cũng là một phụ nữ thông minh. Giữa hai mẹ con nảy sinh mâu thuẫn khi Waverly đem lòng yêu một chàng trai da trắng xa lạ với văn hóa châu Á.

Ying-Ying (France Nuyen) tưởng như đã có cuộc hôn nhân trong mơ ở Trung Quốc với một người đàn ông điển trai, mạnh mẽ. Thế nhưng, hắn ta nhanh chóng lộ bộ mặt thật là một kẻ ăn chơi trác táng, lăng nhăng và hay bạo hành vợ.

Nỗi đau từ cuộc hôn nhân này trở thành vết sẹo không thể phai mờ trong cuộc đời Ying-Ying, ngay cả khi bà đã đến Mỹ. Số phận dường như lặp lại khi con gái bà - Lena (Lauren Tom) - cũng cưới phải một kẻ coi thường vợ. Anh ta bủn xỉn đến mức luôn khiến không khí gia đình trở nên cực kỳ ngột ngạt. 

Với An-Mei (Lisa Lu), tuổi thơ của bà là chuỗi ngày bất hạnh khi mẹ đi làm vợ lẽ. Nhưng cũng chính điều đó khiến bà trở thành một phụ nữ ngoan cường. Ở Mỹ, bà đưa ra lời khuyên cho con gái mình là Rose (Rosalind Chao) - đã kết hôn với một chàng trai giàu có. Rose luôn phục tùng và chiều ý chồng trong mọi việc nhưng mỉa mai thay, chính điều này khiến anh chán ngán cô. Gia đình nhỏ đứng trước nguy cơ đổ vỡ dù cả hai đã có một bé gái kháu khỉnh.

Suyuan và June lại mang đến lát cắt về sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái. Ở Mỹ, Suyuan hết lòng thương yêu và đặt hy vọng vào con như một cách để khỏa lấp nỗi đau của mình trong chiến tranh. Như nhiều bà mẹ châu Á, bà muốn June thành người xuất chúng để có thể mở mày mở mặt. Tuy nhiên, cô bé lại lớn lên mà không có tài năng gì nổi bật. June thất bại ở buổi chơi đàn và cũng chẳng mấy thành công trong sự nghiệp. Liệu hai mẹ con có đạt được sự thấu hiểu giữa hố sâu ngăn cách đó?

Áp lực của những đứa trẻ châu Á ở Mỹ cũng là một chủ đề trong phim
Áp lực của những đứa trẻ châu Á ở Mỹ cũng là một chủ đề trong phim

 

Nỗi lòng phụ nữ và khoảng cách thế hệ, văn hóa

Xem The Joy Luck Club, ban đầu khán giả có thể thấy hơi lạ lẫm với lối kể chuyện của đạo diễn Wayne Wang. Bộ phim nhiều lần rời khỏi mạch chính là tuyến của June để tập trung vào các đôi mẹ con khác. Dù vậy, mỗi câu chuyện đều có điểm nhấn riêng để hấp dẫn người xem, cũng như để lại những thông điệp gợi suy ngẫm.

Những bà mẹ trong The Joy Luck Club có số phận đặc biệt và cũng ở vào giai đoạn lịch sử đặc biệt. Họ sinh ra ở đất nước Trung Quốc vào thời văn hóa còn chịu nhiều ảnh hưởng phong kiến. Tam thê tứ thiếp, tảo hôn hay chuyện thê tử phải phục vụ phu quân được xem là điều bình thường trong xã hội này. Sau khi đến Mỹ, họ có một số thay đổi trong lối sống nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của phụ nữ Á châu. Có thể thấy rõ điều này qua phân cảnh Lindo khó chịu với chàng rể tương lai người Âu Mỹ. Trong lần đầu đến chơi nhà, anh không biết cách “nhập gia tùy tục”, ứng xử chệch với những quy chuẩn mà Lindo trông đợi ở một vị khách.

Những người con gái trong câu chuyện lại sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Họ được tiếp cận văn hóa truyền thống châu Á từ mẹ lẫn các quan điểm của xã hội phương Tây. Không khó hiểu khi tác phẩm mô tả những sự va đập nhất định giữa hai thế hệ. Tiểu thuyết và bộ phim không khắc họa chúng theo hướng quá bi kịch hay giật gân mà giới thiệu các vấn đề đậm chất thực tế mà ai cũng có thể trải qua.Trong tám nhân vật mẹ con của phim, khán giả nữ dễ tìm thấy ít nhiều nét tương đồng với cuộc sống của gia đình mình.

Cứ thế, The Joy Luck Club mang đến những câu hỏi và giải pháp mà tác giả đề xuất. Ở từng câu chuyện, những phụ nữ trẻ học được bài học từ mẹ mình, hòa giải với họ hoặc vượt qua trở ngại của bản thân. Bộ phim như lời cổ vũ phụ nữ phải sống chủ động hơn, vì bản thân mình hơn và đôi khi thẳng thắn giãi bày nỗi lòng chính là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Đến cuối cùng, phim kết thúc với những điều tích cực và lạc quan về cuộc sống, sau nhiều tủi nhục và khổ cực nhân vật phải nếm trải.

Một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt của phim là những đoạn voice-over bộc lộ suy nghĩ của các nhân vật. Chúng giúp khán giả hiểu hơn về cảm nghĩ của từng nhân vật về chuyện đã qua, chứ không chỉ mô tả lại chuyện đó. Phong cách này khiến bộ phim đậm chất tự sự và phù hợp với những người xem thích suy ngẫm, hay nói như lời biên kịch Ronald Bass là “đi thẳng vào trái tim nhân vật”.

Theo phunuonline.com.vn