Ngoài ra, 1.000 nhân viên y tế khác được đặt trong tình trạng sẵn sàng nhận lệnh điều động, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ cho biết trong cuộc họp báo hôm nay tại Bắc Kinh.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kiểm tra ống truyền tĩnh mạch cho một bệnh nhân tại bệnh viện Zhongnan thuộc trường Đại học Vũ Hán ngày 24/1. Ảnh: AFP.
Giới chức thừa nhận Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân, nơi chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) làm bùng phát dịch viêm phổi cấp, đang ở trong tình trạng thiếu thốn nhân lực và vật tư y tế.
450 lính quân y Trung Quốc, gồm nhiều người có kinh nghiệm đối phó với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Ebola, đã được điều tới Vũ Hán. Hai bệnh viện dã chiến với 2.300 giường cũng đang được gấp rút xây dựng để đối phó với tình trạng thiếu giường bệnh. Bệnh viện dã chiến đầu tiên dự kiến hoàn thành ngày 3/2.
Trong cuộc họp báo hôm nay, thứ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Vương Giang Bình, cho biết tỉnh Hồ Bắc cần khoảng 100.000 bộ đồ bảo hộ y tế một ngày, nhưng 40 nhà máy trên khắp Trung Quốc chỉ sản xuất được 30.000 bộ.
Theo ông Vương, giới chức đang cố gắng nối lại hoạt động của các nhà máy trong dịp Tết và đề nghị các nhà máy chuyên sản xuất hàng xuất khẩu tham gia cung ứng đồ bảo hộ y tế.
Dịch viêm phổi cấp được cho là xuất phát từ một chợ bán hải sản và động vật sống ở Vũ Hán, sau đó lan ra ít nhất 30 địa phương khác của Trung Quốc. Có hơn 2.000 người đã nhiễm bệnh và 56 người thiệt mạng tại Trung Quốc tính đến ngày 25/1.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nuôi, vận chuyển hoặc mua bán động vật hoang dã "dưới mọi hình thức", có hiệu lực từ ngày 26/1, để ngăn bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan.
Các quốc gia khác phát hiện bệnh nhân dương tính với virus nCoV bao gồm Thái Lan, Australia, Malaysia, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam và Nepal. Nhà chức trách Canada thông báo có một bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi cấp sau khi quay trở về từ Vũ Hán.
Theo Vnexpress