leftcenterrightdel
 Một gia đình phải sơ tán lội qua khu vực ngập lụt ở huyện Jaffarabad, tỉnh Baluchistan, phía tây nam Pakistan hồi tháng 8/2022 (Ảnh: AP).

Sáng kiến gồm các hoạt động trong lĩnh vực tài chính và chuẩn bị cho rủi ro khí hậu. Các giải pháp bảo vệ sẽ được đưa ra và thực hiện nhanh chóng nếu xảy ra các thiệt hại liên quan đến khí hậu. Quá trình này liên kết với kế hoạch dự phòng của các nước đang phát triển. Do đó, người dân và chính quyền sẽ có thể tiếp cận sự hỗ trợ khẩn cấp khi thảm họa xảy ra. Sáng kiến sẽ huy động thêm vốn để đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng tăng.

Ngay sau khi Sáng kiến được khởi động, Đức tuyên bố tài trợ 170 triệu euro cho dự án. Canada, Ireland và Đan Mạch cam kết tài trợ thêm 40 triệu euro. Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ Sáng kiến.

Dự kiến Bangladesh, Costa Rica, Fiji, Ghana, Pakistan, Philippines và Senegal sẽ được nhận tài trợ đầu tiên từ sáng kiến “Lá chắn toàn cầu”. Đây là những quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó cơn lũ lịch sử tại Pakistan vào năm 2022 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng, ít nhất 2 triệu ngôi nhà bị phá hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 33 triệu người. Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman nói 1/3 đất nước đã biến thành biển lớn, tạo ra cuộc khủng hoảng “không thể tưởng tượng được”.

Trong một thông báo vào tháng 11/2022, Bộ Phát triển và Hợp tác kinh tế Đức nêu rõ: Nếu không có chương trình bảo vệ thì trong trường hợp xảy ra hạn hán, lũ lụt, người nông dân sản xuất nhỏ không chỉ đối mặt với thảm cảnh mất mùa mà còn có thể mất đi sinh kế do không đủ kinh phí tái đầu tư, sản xuất mùa vụ mới.

Cũng theo Bộ này, các quốc gia ở Nam bán cầu tạo ra lượng khí thải toàn cầu rất ít nhưng phải đối mặt với những hậu quả tồi tệ nhất của một thế giới đang ấm dần lên trong khi họ không có đủ nguồn lực để bảo vệ công dân của mình.

Trong khi đó, một báo cáo về biến đổi khí hậu do Công ty chứng khoán KASB công bố năm 2022 cho hay, lượng phát thải khí nhà kính tích lũy từ các nước phát triển đã vượt xa đáng kể so với các nước đang phát triển xét từ góc độ lịch sử. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), từ năm 1971 đến 2020, G7 chiếm 34,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính của thế giới trong lĩnh vực năng lượng. Do đó, Sáng kiến của G7 và V20 được đánh giá cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới.

Tuy nhiên nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi: liệu sáng kiến này có đủ “toàn cầu” hay không khi thế giới đang đối mặt với mức phát thải CO2 cao nhất mọi thời đại do sự phục hồi kinh tế sau Covid-19 dẫn đến mức phát thải cao nhất từ nhà máy điện và tiêu thụ than?

leftcenterrightdel
Hạn hán ngày càng nghiêm trọng ở các quốc gia vùng Sừng châu Phi (Ảnh: TNH). 

Theo Báo cáo Khoảng cách Thích ứng của Liên hợp quốc, dòng tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu đến các nước đang phát triển thấp hơn 5 – 10 lần so với nhu cầu ước tính và khoảng cách tiếp tục được nới rộng. Nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động vào năm 2020 đã giảm ít nhất 17 tỷ USD so với 100 tỷ USD đã cam kết cho các nước đang phát triển. Mỹ và EU được kỳ vọng sẽ thực hiện cam kết tài trợ 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và đi đầu trong giảm phát thải để đảm bảo quyền phát triển của các nước đang phát triển.

Sáng kiến “Lá chắn toàn cầu” không phải là cơ chế tài chính duy nhất được thiết lập để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều quỹ toàn cầu đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Quỹ Khí hậu xanh (GCF); Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF); Quỹ Đối tác về khí hậu toàn cầu…

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21 năm 2015 được xem là bước ngoặt lớn, song vẫn còn nhiều cam kết dở dang. Cho đến nay, cam kết của các nước giàu về hỗ trợ tài chính giải quyết các vấn đề khí hậu, chẳng hạn như cam kết trị giá 100 tỷ USD/năm giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu, vẫn chưa được đáp ứng. Cho đến nay hỗ trợ tài chính vẫn chỉ là dưới hình thức tự nguyện mà chưa có một văn bản nào ràng buộc.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: “Đã đến lúc phải có một hiệp ước lịch sử, theo đó, các nước giàu hơn cung cấp tài chính và kỹ thuật cùng với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương và các công ty công nghệ để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Mô hình đó cần thiết cho tất cả chúng ta”.

Theo thoidai