Thiếu nhân lực, Hàn Quốc tìm tới người lao động cao tuổi
Cập nhật lúc 20:30, Thứ ba, 16/08/2022 (GMT+7)
Khi nhà máy của ông Hwang Kwang-jo ở Seoul phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực sau sự ra đi của các công nhân Nepal và những người Hàn Quốc trẻ tuổi, ông phải tìm đến những người lao động trên 60 tuổi.
Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nguồn lao động nước ngoài của Hàn Quốc, buộc các công ty phải mở rộng mạng lưới tuyển dụng tới cả nhóm lao động vốn đã bước vào tuổi nghỉ hưu.
Tình trạng này ngày càng phổ biến ở ngành công nghiệp nặng, vốn không thu hút được sự chú ý của những người trẻ tuổi Hàn Quốc.
Ông Hwang, giám đốc điều hành tại Iljin Enterprise, một nhà máy đúc nhôm thường sử dụng khoảng 35 lao động, cho biết: “Thật khó để lấp đầy các vị trí còn thiếu. Chúng tôi đã mất 2 lao động người Nepal do vấn đề thị thực và phải tuyển một người Hàn Quốc 61 tuổi."
Việc thiếu hụt lao động ở Hàn Quốc, nơi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp kỷ lục 2,9% vào tháng 7, đã dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi tái gia nhập thị trường lao động.
Nhưng ngay cả điều đó vẫn chưa đủ để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, gây ra áp lực giá cả với lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 24 năm.
Tại Hàn Quốc, quốc gia có tốc độ già hóa xã hội nhanh nhất thế giới, có tới 33,1% người trong độ tuổi 70-74 vẫn đang làm việc, tỷ lệ này đứng đầu thang đo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi mức trung bình của các quốc gia OECD khác chỉ là 15,2%.
Dữ liệu của ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho thấy hơn 230.000 người trên 60 tuổi đã tìm được việc làm tại các nhà máy và công trường kể từ đầu năm 2020, trong khi những người trẻ hơn lại rời bỏ các lĩnh vực này.
Trong khi lực lượng lao động nước ngoài của Hàn Quốc, ở mức 848.000 người, tương đối nhỏ so với các nền kinh tế công nghiệp phát triển khác, thì người di cư lại đóng góp quan trọng vào lĩnh vực sản xuất.
Kể từ đầu năm 2020, lượng lao động nước ngoài hàng tháng tại Hàn Quốc chỉ bằng khoảng 35% so với lượng lao động nước ngoài trong năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, dữ liệu của chính phủ cho thấy.
Nhật Bản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, với các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt khiến lao động nhập cư khó nhập cảnh, buộc các doanh nghiệp tìm tới người lao động lớn tuổi.
Giám đốc Hwang tại Iljin Enterprise cho biết vẫn phải tuyển thêm người lao động lớn tuổi dù tính chất công việc nặng nhọc.
“Nếu tôi không thể kiếm được bất kỳ người nào trẻ hơn hoặc người lao động nước ngoài, tôi sẽ phải thuê thêm những người lớn tuổi và tăng thêm tiền thưởng cho nhân viên", ông Hwang nói.
Tuần trước, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với lao động nước ngoài để giúp doanh nghiệp trong nước bổ sung nguồn nhân lực.
Ông Park Jang-young, 64 tuổi, cho biết công việc dọn dẹp xe tải mới được nhận giúp ông kiếm được khoảng 3,7 triệu won (hơn 66 triệu đồng) một tháng, nhiều hơn đáng kể so với công việc trước đây của ông tại một bãi đậu xe.
"Tôi biết ông chủ của tôi thích tìm người trẻ hơn, nhưng những người trẻ sẽ đến Seoul sau khi tốt nghiệp. Ngay cả lao động nước ngoài cũng rất kén chọn, họ có mạng lưới và cộng đồng tốt để chia sẻ thông tin về lương, điều kiện làm việc", ông Park nói. "Tôi sẽ gắn bó với công việc này, nó đem lại mức lương tốt so với độ tuổi này."
Theo ngaynay