Thiếu tiền, Liên Hiệp Quốc thắt lưng buộc bụng, phải tắt màn hình, micrô
Cập nhật lúc 21:03, Thứ sáu, 20/12/2019 (GMT+7)
Liên Hiệp Quốc thiếu khoảng 768 triệu USD cho ngân sách 2019 và đang thực hiện các biện pháp tiết kiệm, như tắt màn hình và micro tại cuộc họp.
Một diễn đàn về tị nạn diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva hôm 17.12
Trong các cuộc họp về giải giới vũ khí tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Geneva hồi tháng trước, các chuông báo động trong phòng họp bất ngờ reo lên nhằm báo hiệu các đại biểu đã vi phạm quy định hạn chế cuộc họp kéo dài nhằm cắt giảm chi phí.Ngoài ra, các màn hình và micrô cũng bị tắt, buộc các đại sứ đọc lớn bài phát biểu ở sảnh vì các sự kiện trở nên “hỗn loạn, lẫn lộn và ồn ào”. Một số nhà ngoại giao còn lo ngại sắp tới đến lượt đèn cũng sẽ bị tắt, theo một trong số nguồn tin cho Reuters hay.
'Cực kỳ báo động'
Tình trạng nói trên xảy ra ít nhất 2 lần, là kết quả của việc thực hiện những biện pháp khẩn cấp nhằm cắt giảm chi phí tại các trụ sở của LHQ như ở Geneva và New York. Tính đến nay, việc cắt giảm chi phí đã bước sang tháng thứ 3, nhằm ứng phó tình trạng được Tổng thư ký LHQ mô tả là “cực kỳ báo động”.
LHQ đang thiếu hụt 768 triệu USD trong ngân sách chung 2,85 tỉ USD của năm 2019 vì 51 quốc gia, trong đó có cả hai nước đóng góp ngân sách lớn cho LHQ là Mỹ và Brazil, không đóng hết các phí của họ, theo Reuters.
“Tình trạng thâm hụt tiền mặt xuất hiện hồi đầu năm, kéo dài và ngày càng nghiêm trọng”, ông Guterres cho hay.
Các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng tình trạng khủng hoảng tiền mặt của LHQ là do một số nước không có quyết tâm theo chính sách ngoại giao đa phương. Bằng chứng là cuộc họp về biến đổi khí hậu của LHQ ở Madrid (Tây Ban Nha) hồi tuần rồi chỉ đạt được một thỏa thuận bị hạn chế. Trước tình trạng này, Pháp và Đức mới đây phát động “Liên minh vì chủ nghĩa đa phương) để hỗ trợ LHQ và các tổ chức quốc tế khác.
'Triệu chứng của khủng hoảng niềm tin'
Chuyên gia Richard Gowan tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng quốc tế (Bỉ) cho rằng việc thiếu tiền mặt là triệu chứng của “cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị” ở LHQ. “Hầu hết các thành viên chẳng quan tâm gì đến những vấn đề tài chính mà tổ chức đang đối diện”, ông Gowan nhận định.
Trong khi đó, một số người cho rằng LHQ có thể tiết kiệm bằng cách giảm tiền thù lao và lương hậu hĩnh cho các quan chức cấp cao. “Có sự lãng phí lớn ở LHQ… LHQ chi nhiều tiền để trả lương cao trong nhiều trường hợp”, ông Marc Limon, cựu nhà ngoại giao và Giám đốc điều hành của tổ chức độc lập Universal Rights Group (có văn phòng ở New York)
Giới chức LHQ cho hay trong giai đoạn hiện nay, họ không sẵn sàng giảm lương nhân viên mà đang tập trung cắt giảm chi phí ở những lĩnh vực khác.
Những biện pháp tiết kiệm được cho là chỉ đóng một phần rất nhỏ trong chi phí vận hành thường niên 14 triệu USD của tòa nhà văn phòng của LHQ ở Geneva. Một số người suy đoán việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm chủ yếu nhằm khiến các nhà ngoại giao bực mình, buộc họ kêu gọi chính phủ nước mình đóng phí đầy đủ. Giới chức Liên Hiệp Quốc phủ nhận suy đoán này và khẳng định tiết kiệm là cần thiết.
Theo Thanh Niên