Ngày 27/8, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM đã tổ chức hội thảo hợp tác phim ảnh Ấn Độ và Việt Nam, nằm trong khuôn khổ lễ hội Xin chào Việt Nam năm 2024, kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972 - 2024).
Với 4 chủ đề Hợp tác sản xuất phim giữa Ấn Độ và Việt Nam- Khả năng, tiềm năng và thách thức, Tầm ảnh hưởng của điện ảnh đối với sự phát triển của quốc gia, Phát hành phim quốc tế - Toàn cầu hóa phim nội địa, Vai trò của phụ nữ trong điện ảnh và Tầm quan trọng của phụ nữ trong phim khi hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, các nhà làm phim 2 nước đã trao đổi nhiều thông tin lý thú.
|
|
Ê kíp sản xuất phim Love in Vietnam ra mắt tại hội thảo |
Về việc hợp tác sản xuất phim giữa 2 nước, hội thảo đã công bố 3 dự án. Đầu tiên là tác phẩm Love in Vietnam do Captain Rahul Bali đạo diễn, kể về câu chuyện tình xuyên quốc gia giữa một cô gái người Việt và chàng trai người Ấn. Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Khả Ngân, Shantanu Maheshwari, Avneet Kaur... Dự án thứ 2 là 1 phim hài và cuối cùng là 1 phim hành động được quay tại hang Sơn Đoòng. 2 dự án này đều chưa tiết lộ tên phim.
|
|
Love in Vietnam có sự tham gia của nữ chính là diễn viên Khả Ngân |
Xung quanh vấn đề hợp tác, các nhà làm phim 2 nước cho rằng điểm thuận lợi là từ trước năm 1970, phim Ấn đã quen thuộc với khán giả Việt Nam. Ê kíp người Việt hay người Ấn đều có chung sự nhiệt huyết, đam mê với nghề.
Về thế mạnh của mỗi bên, ông Phạm Minh Toàn – chủ tịch LHP quốc tế TPHCM – nhận định : “Việt Nam có hệ thống rạp nhiều, lượng khán giả đông, các nền tảng OTT phát triển mạnh. Còn Bollywood là 1 thị trường lớn thứ nhì chỉ sau Hollywood, chi phí sản xuất rẻ hơn các nước phương tây, hạ tầng làm phim rộng khắp và nền tảng OTT cũng thịnh hành”.
Ông gợi ý hợp tác làm phim nên hướng khai thác các yếu tố về tâm linh, tôn giáo vì đây là thứ khán giả 2 nước quan tâm bên cạnh chủ đề gia đình. Tuy vậy, việc hợp tác làm phim có một số rào cản. Theo anh Huỳnh Đắc Thọ, quản lý nội dung của đơn vị nhập phim Mockingbird – điện ảnh Việt chưa được biết đến nhiều ở Ấn. Còn theo nhà sản xuất Tường Vi, phim Ấn có những cảnh múa hát kéo dài, thời lượng phim 3 tiếng ở rạp sẽ khó giữ chân người xem nên nếu hợp tác cần cân bằng vấn đề thời lượng.
|
|
Các khách mời nữ trao đổi bên lề hội thảo |
Ở nội dung Phát hành phim quốc tế - toàn cầu hóa phim nội địa, các nhà làm phim Ấn Độ - thị trường mỗi năm sản xuất hơn 2000 phim – đều nhất trí khuyên nên đánh mạnh vào câu chuyện, cảm xúc, chẳng hạn chọn nói về tình yêu bởi đây là chủ đề không biên giới. Về thể loại nên chọn hành động vì ai xem cũng hiểu được. Ngoài ra, phía Ấn Độ cũng khuyên phía Việt Nam nên tìm hiểu thị trường vì ở Ấn Độ có 5-7 vùng khác nhau và có đến 5-6 dòng phim.
Một trong những chủ đề của hội thảo về Vai trò của phụ nữ trong điện ảnh và tầm quan trọng của phụ nữ trong phim khi hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam đã thu hút sự tham gia của các nữ diễn viên Thu Trang , đạo diễn Luk Vân (Việt Nam), diễn viên “cô dâu 8 tuổi” Avika Gor, Sara Khan, Priyanka Chahar Choudhary, Anupriya Goenka.
Thu Trang kể cô chỉ được đạo diễn mời đóng vai hài còn nếu muốn có những vai diễn nữ “gai góc” hơn cô phải tự làm phim. Diễn viên – nhà sản xuất này cho rằng hình tượng nhân vật trong phim Việt những năm qua đã có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, phong phú, tính cách đa chiều, phức tạp hơn và không còn là “bình hoa di dộng”.
|
|
Các nữ diễn diễn. nhà sản xuất phim của 2 nước trao đổi về chủ đề phụ nữ tại hội thảo |
Nữ đạo diễn- nhà sản xuất Luk Vân kể về trải nghiệm bị định kiến giới trước khi vào nghề: “ Lúc tôi chuẩn bị thi vào khoa đạo diễn trường đại học sân khấu điện ảnh TPHCM, nhiều người nói nữ giới học ngành này ra chỉ có thể làm trợ lý, thư ký hay biên kịch, chỉ có nam mới dễ được giao phim”. Cùng với Thu Trang , Luk Vân cũng đánh giá hình tượng nữ giới trong phim Việt đang có thay đổi tích cực vì được xây dựng gần với đời thực hơn, không còn ủy mị như trước đây.
Nữ diễn viên “Cô dâu 8 tuổi” Avika Gor đồng càm với chia sẻ của Thu Trang và Luk Vân. Cô cho biết đó cũng là lý do lấn sân làm nhà sản xuất để có thể tự làm ra những tác phẩm có nhân vật mình mong muốn: “Khi 21 tuổi, tôi làm việc với toàn nam giới trong nghề , nếu chờ đợi biết khi nào mới có được tác phẩm hay vai diễn như mong muốn nên tôi nghĩ mình nên chủ động làm phim”.
Theo phụ nữ TPHCM