Ban đầu chính quyền Thủ tướng Boris Johnson dự định mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 21/6, nhưng kế hoạch này buộc phải lùi lại tới ngày 19/7 bởi sự gia tăng các ca nhiễm do biến chủng Delta gây ra ở Anh.
Thủ tướng Johnson sẽ có cuộc họp báo về vấn đề mở cửa trở lại. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid sẽ phát biểu trước Quốc hội Anh về vấn đề này, AFP cho biết.
Anh là quốc gia có số người tử vong do đại dịch Covid-19 cao thứ hai châu Âu, sau Nga, với 128.000 người chết. Nước này đang dần kết thúc giai đoạn phong tỏa thứ 3, dù vẫn còn một số hạn chế.
Các hộp đêm vẫn chưa được phép mở cửa. Những sự kiện quy mô lớn không được phép hoạt động hết công suất, các dịch vụ khác vẫn bị hạn chế trong quán rượu.
Văn phòng thủ tướng Anh cho biết các số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc Covid-19 mới vẫn tiếp tục tăng khi các hạn chế được dỡ bỏ, nhưng số lượng các ca bệnh nặng phải nhập viện và tử vong giảm đáng kể nhờ tiêm chủng.
Chính quyền Thủ tướng Johnson sẽ dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch từ ngày 19/7 tới. Ảnh: AFP.
Tháng 12/2020, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, khoảng 64% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm 2 liều vaccine Covid-19.
“Hôm nay chúng tôi sẽ đặt ra cách khôi phục các quyền tự do của người dân”, Thủ tướng Johnson nói trong tuyên bố đưa ra trước cuộc họp báo.
Tuy vậy, thủ tướng Anh nhấn mạnh, đại dịch vẫn chưa kết thúc và mọi người phải bắt đầu học cách sống chung với virus và tăng cường tập thể dục khi trở lại cuộc sống bình thường.
Dù các lệnh hạn chế sắp được dỡ bỏ, nhưng việc đeo hay không đeo khẩu trang nơi công cộng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Chính quyền Anh gợi ý rằng sẽ khuyến khích ý thức chung của mọi người, để việc đeo khẩu trang nơi công cộng trở thành một tùy chọn.
Trong khi đó, chính quyền Scotland lại tỏ ra thận trọng trước việc mở cửa trở lại. Một số học giả và cố vấn cho chính phủ chỉ trích gay gắt việc nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Stephen Reicher, giáo sư tâm lý học xã hội, Đại học Saint Andrews ở Scotland, coi việc bộ trưởng Y tế muốn biến các biện pháp phòng dịch thành vấn đề cá nhân là một lựa chọn đáng sợ.
Susan Michie, giáo sư tâm lý học về thay đổi hành vi, chỉ trích việc dỡ bỏ các hạn chế: “Việc cho phép virus lây lan trong cộng đồng cũng giống như việc xây dựng các nhà máy cho biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn”, bà Michie nói.
Cuối tuần qua, Hiệp hội Y khoa Anh đã kêu gọi chính phủ duy trì một số hạn chế, do số ca mắc Covid-19 gia tăng đáng báo động, gần 30.000 ca mỗi ngày.
Theo Zing