Theo giáo sư Euston Quah, chuyên gia kinh tế tại Đại học Công nghệ Nanyang, các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19 đang gây tổn hại cho nền kinh tế Singapore.

“Đã 18 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, người dân Singapore đang chiến đấu một cách mệt mỏi”, Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung.

Vì tất cả điều đó, mọi người đều đồng ý mở cửa lại là điều cần thiết, nhưng chỉ thực hiện khi sự an toàn của người dân được đảm bảo. Singapore đang bắt đầu hành trình hướng tới kế hoạch chung sống với Covid-19, với hầu hết biện pháp hạn chế dự kiến #dỡ bỏ vào cuối năm nay, theo Straits Times.

Chìa khóa cho vấn đề này nằm ở điểm: Đa số người dân cần được tiêm chủng nhằm bảo vệ họ khỏi các triệu chứng nặng và tử vong do Covid-19.

Với sự xuất hiện của biến chủng Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) có khả năng lây lan nhanh chóng, các chuyên gia khuyến cáo Singapore cần tiêm phòng cho ít nhất 80% dân số để tạo miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, điều đó khó có thể thực hiện trong năm nay.

Hiện chưa có loại vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Singapore hiện có khoảng 500.000 trẻ em, chiếm khoảng 10% dân số. Với đối tượng người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, hơn 1/4 vẫn chưa được tiêm phòng.

Vậy nếu Singapore không đạt được con số 80%, liệu kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch có còn an toàn?

                                                                                  Giãn cách tại một quán cafe ở trung tâm thương mại The Star Vista, Singapore. Ảnh: Straits Times.


Hiểu đúng về khái niệm "sống chung với Covid-19"


Bệnh đặc hiệu là bệnh tồn tại vĩnh viễn trong cộng đồng, chẳng hạn như bệnh sốt xuất huyết và bệnh cúm. Tuy nhiên, bệnh đặc hiệu vẫn có thể phải tìm cách ngăn chặn.

Ví dụ, bệnh sốt xuất huyết đã tồn tại ở Singapore trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hàng năm, Singapore vẫn chi hàng chục triệu USD để giảm số lượng muỗi. Mỗi khi có cụm ca bệnh xuất hiện, Cơ quan Môi trường Quốc gia bắt đầu hành động để phá vỡ chuỗi lây truyền.

Cách tiếp cận tương tự có thể áp dụng với Covid-19.

“Chúng ta cần học cách chung sống với Covid-19, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, áp dụng các biện pháp y tế công cộng và đảm bảo phương án tiêm chủng, chẩn đoán và điều trị thích hợp”, giáo sư Paul Tambyah - chuyên gia tư vấn các bệnh truyền nhiễm cấp cao tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) - nói.

“Sống chung với Covid-19 nghĩa là có các chính sách và biện pháp can thiệp phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong”, thông tin từ phó giáo sư Hsu Li Yang - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Do đó, tiêm chủng Covid-19 sẽ được đưa vào lịch tiêm chủng quốc gia cho cả trẻ em và người lớn.

Theo phó giáo sư Alex Cook, người chuyên nghiên cứu mô hình bệnh truyền nhiễm, chấp nhận Covid-19 là bệnh đặc hiệu "nghĩa là sẽ có nhiều ca nhiễm hơn so với hiện nay, nhưng nhờ tiêm chủng nên rất ít người chết. Những trường hợp tử vong đó chủ yếu là ở những người chưa được tiêm chủng”.

“Thỉnh thoảng sẽ có những đợt bùng phát dịch, giống như cúm hoặc sốt xuất huyết, và đôi khi chúng có thể nghiêm trọng, tương tự đợt bùng phát sốt xuất huyết năm 2020 tại Singapore”, ông nói thêm.

Năm 2020, Singapore ghi nhận hơn 35.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết và 32 người qua đời vì bệnh này.

Khi hầu hết người dân đã được chủng ngừa, quỹ đạo các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong tương lai sẽ phụ thuộc vào thời gian vaccine có tác dụng và sự xuất hiện của biến thể mới. Ví dụ, virus cúm đột biến thường xuyên đến mức mọi người cần phải tiêm phòng hàng năm.

                                                                                                Một khu vực chờ tiêm chủng tại Singapore. Ảnh: Straits Times.


Bước đi thận trọng


Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của NUS, cho biết ít nhất 70% dân số cần được tiêm chủng đầy đủ trước khi xem xét bất kỳ kế hoạch mở cửa nào, với điều kiện vaccine có thể duy trì hiệu quả.

Giáo sư Tambyah lại tỏ ra lạc quan hơn. Ông trích dẫn New York và California là những nơi đã bỏ tất cả biện pháp phòng dịch khi tỷ lệ tiêm chủng vượt mốc 70%.

Điều đó “không dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc Covid-19. Chúng ta có thể làm điều tương tự”, ông nói.

Theo phó giáo sư David Lye, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm, một yếu tố quan trọng khác khi quyết định sống chung với Covid-19 chính là không được phép có quá nhiều người mắc có triệu chứng nặng. Từ đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ không bị quá tải.

Cho đến nay, vaccine đã có hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi virus corona, đảm bảo những người mắc bệnh sẽ không bị ốm nặng. Một dấu hiệu hứa hẹn cho Singapore chính là một nửa dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào giữa tháng 7. Tất cả ai đủ điều kiện sẽ nhận được ít nhất một mũi tiêm vào tháng 8.

Tất cả chuyên gia đều đồng ý rằng Singapore không nên học theo cách mà Australia và New Zealand áp dụng - những quốc gia thực thi phương án phong tỏa mỗi khi có chùm ca bệnh xuất hiện.

“Khi biên giới các nước bắt đầu mở cửa trở lại, chuyện xuất hiện ca nhập cảnh hoặc chùm ca bệnh là không thể tránh khỏi”, giáo sư Tambyah khẳng định.

Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại NUH, cho biết mục tiêu cuối cùng không phải là hoàn toàn tiêu diệt virus - một điều không thể thực hiện được bởi tốc độ lây lan nhanh chóng của Covid-19, mà là học cách sống chung với căn bệnh này.


                                                                                               Sinh viên xếp hàng chờ tiêm chủng tại ITE College West. Ảnh: Straits Times.


Duy trì biện pháp phòng dịch là cần thiết


Theo giáo sư Fisher, các biện pháp phòng Covid-19 vẫn cần thiết ở những nơi có đối tượng dễ bị tổn thương như bệnh viện hay viện dưỡng lão. Tuy nhiên, “xét nghiệm hàng loạt, truy vết người tiếp xúc với ca bệnh và di chuyển không có kiểm dịch cuối cùng sẽ phải kết thúc”, ông nói.

Tuy nhiên, phó giáo sư Hsu lại bày tỏ hy vọng một số biện pháp sẽ vẫn duy trì ít nhất cho đến cuối năm 2022. Điều này là do Singapore có thể đối mặt với sự gia tăng đến từ các ca nhập cảnh.

Về phần giáo sư Teo, ông mong muốn mọi người tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng và khử khuẩn tay thường xuyên bởi những biện pháp này cũng giúp chống lại bệnh cúm. Không phải ngẫu nhiên mà Singapore không ghi nhận một trường hợp mắc cúm nào kể từ tháng 5/2020.

Tuy nhiên, tiến sĩ Asok Kurup, chuyên gia tại Học viện Y khoa, lại có ý kiến cho rằng khẩu trang chỉ cần được sử dụng tại không gian kín, còn ở ngoài trời, mọi người không cần phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, xét nghiệm Covid-19 vẫn quan trọng, nhưng chỉ áp dụng để kiểm tra xem ai là người mang virus corona. Còn đối với những người tiếp xúc gần ca bệnh hay trong cộng đồng, điều này là không cần thiết.

Về phía giáo sư Lye, ông nghĩ rằng tại các biên giới, xét nghiệm Covid-19 vẫn cần duy trì. Tuy nhiên, cần có chọn lọc và phụ thuộc vào quốc gia mà khách du lịch đến từ.

Giáo sư Tambyah lại thấy có thể bỏ qua việc xét nghiệm, miễn là du khách đã được tiêm phòng.

                                                   Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung hy vọng rằng du lịch Singapore sẽ hoạt động trở lại trước khi năm nay kết thúc. Ảnh: Straits Times.


Hai thế giới


Những người chưa được chủng ngừa có thể thấy mình gặp bất lợi. Không có lý do chính đáng nào để họ trốn tránh vaccine.

Theo giáo sư Hsu, khoảng 1% cơ thể người trưởng thành có thể không thích ứng với vaccine Covid-19. Tuy nhiên, có nhiều loại vaccine với cơ chế khác nhau để lựa chọn. Nếu không phù hợp với vaccine mRNA, họ có thể chọn sử dụng Sinovac, hay Novavax, giáo sư Fisher nói.

Những người không tiêm chủng có thể sẽ không được tham gia một số hoạt động nhất định.

“Phân biệt đối xử thông qua việc tiêm vaccine không phải là một điều tốt, nhưng cần thiết để một số hoạt động được phép diễn ra. Nếu không, sẽ thật vô trách nhiệm nếu chúng ta cố ý để những người không được bảo vệ tiếp xúc với rủi ro”, giáo sư Teo nói.

Giáo sư Lye đề nghị xét nghiệm những người chưa được tiêm phòng trước khi vào nhà hàng hoặc rạp chiếu phim. “Sau cùng, mọi người sẽ quyết định xem mình mắc Covid-19 hay tiêm vaccine Covid-19”, giáo sư Fisher chia sẻ.

Các chuyên gia đều khẳng định cho phép người lao động, kể cả người đến từ những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, là điều cần thiết. Theo giáo sư Lye, Singapore cần lao động trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Ví dụ, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, 1/3 y tá là người nước ngoài.

Nhưng người lao động nhập cư cần phải được xét nghiệm và tiêm chủng.

“Chắc chắn Singapore nên tiêm phòng cho tất cả người lao động nhập cư mới đến. Đây không chỉ là trách nhiệm phải làm để bảo vệ những người lao động này, mà còn bảo vệ cả cộng đồng Singapore nữa”, ông Teo nói.

                                                                                          Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 ở Singapore ngày 8/3. Ảnh: Reuters.


Ông Ong dự kiến du lịch giải trí hoạt động trở lại vào cuối năm tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và số ca mắc giảm mạnh.

Những người đã tiêm phòng có thể đi lại dễ dàng hơn. Trong khi đó, đối với những ai chưa tiêm, họ có thể sẽ bị kiểm dịch và trả phí bảo hiểm du lịch cao hơn, thậm chí còn bị từ chối nhập cảnh ở một số quốc gia.

“Tôi có thể hình dung đi du lịch mà chưa tiêm chủng sẽ khá khó khăn. Về lâu dài, không rõ có bao nhiêu quốc gia sẽ yêu cầu giấy chứng nhận vaccine mới cho phép đi du lịch”, giáo sư Cook cho biết.

Nếu vaccine có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân nhiễm bệnh, giáo sư Teo hy vọng mọi người "sẽ được phép đi lại tự do, ngay cả khi đến các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao".

Nhưng Giáo sư Lye không đồng ý với quan điểm này: "Mặc dù vaccine có hiệu quả cao, nó không cung cấp 100% khả năng bảo vệ khỏi Covid-19. Ngoài ra, khi dịch bệnh bùng phát, các biến thể mới xuất hiện có thể không kiểm soát được chỉ thông qua tiêm chủng”.

Ngoài ra, Giáo sư Quah cho rằng với người khăng khăng muốn đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, nếu nhiễm virus corona, họ sẽ phải tự chịu chi phí điều trị.

“Nếu mọi người chọn cách phớt lờ sự thật, đi du lịch đến các quốc gia có rủi ro cao và sau đó bị lây nhiễm, xã hội không cần phải gánh chịu tất cả những chi phí này”, ông nói.

Dù trong du lịch, hay ở những khía cạnh khác của cuộc sống, một khi đã chung sống với Covid-19, tiêm chủng và hành động có trách nhiệm chính là chìa khóa quan trọng, Straits Times nhận định.

Theo Zing