Dự án là một phần của sáng kiến có tên gọi "Culture Spine" được khởi xướng bởi Aaditya Thackeray, người đứng đầu cơ quan du lịch và môi trường ở Maharashtra, khu vực Mumbai.

Sáng kiến đèn giao thông nâng cao ý thức về bình đẳng giới ở Mubai (Ấn Độ). Nguồn ảnh: newsable.asianetnews

 

Thackeray đã đăng trên twitter rằng: "Nếu đã đi ngang qua Dadar, mọi người sẽ thấy điều gì đó mới lạ. Chính quyền địa phương đang thực hiện bình đẳng giới với một ý tưởng đơn giản khi hình ảnh phụ nữ được xuất hiện trên các tín hiệu đèn giao thông". Ông đề cập đến một khu phố ở trung tâm Mumbai khi hình ảnh về đèn giao thông mới xuất hiện.

Phản ứng tích cực từ nhiều phía

Sada Sarvankar, một lãnh đạo địa phương thuộc đảng chính trị của Thackeray, Shiv Sena, mô tả động thái này trên Twitter là "một bước quan trọng đối với phong trào nữ quyền". Ở những nơi khác, người dân và người dùng mạng xã hội cũng ca ngợi những chiếc đèn mới như một bước chuyển mang tính biểu tượng nhằm thay đổi nhận thức của công chúng, cũng như thách thức các chuẩn mực về giới và đòi hỏi quyền đại diện cho phụ nữ trong các hoạt động công cộng.

Một người dùng twitter gọi đèn giao thông là "một bước tiến nhỏ nhưng mang tính quyết định để chấm dứt quan niệm loại bỏ phụ nữ ra khỏi các vấn đề liên quan đến xây dựng thành phố." Một người khác cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy phụ nữ đã "xuất hiện nhiều hơn và dần được nhìn nhận một cách bình đẳng".

Tài khoản Youtube có tên An Open Letter, đã đăng trên tweeter "Mumbai có thể đứng đầu bảng xếp hạng ở Maharashtra về số vụ cưỡng hiếp. Phụ nữ có thể không cảm thấy an toàn lắm ở đó, nhưng hiện giờ họ có những biện pháp khôi phục sự bình đẳng. Thật tuyệt vời."

Một hình ảnh biển báo giao thông mới được chính trị gia ở Mumbai Aaditya Thackeray đăng trên Twitter. (Aaditya Thackeray/Twitter)

 

Đề cao bình đằng giới

Quy hoạch đô thị là điều có thể ảnh hưởng cuộc sống của nhiều phụ nữ. Điều đó đã trở thành một điểm đáng quan tâm ở một số thành phố của Ấn Độ sau khi một sinh viên bị hãm hiếp tập thể và giết hại trên xe buýt ở New Delhi vào năm 2012. Đường tối, trạm xe buýt ở xa và nhiều góc khuất đều có thể khiến phụ nữ khó khăn hơn trong việc đảm bảo an toàn khi đi lại một mình vào ban đêm, trong khi các phương tiện giao thông công cộng có thể là không gian chung khiến phụ nữ bị quấy rối hoặc hành hung. Sau khi vụ việc xảy ra, các nhà chức trách ở thủ đô Ấn Độ đã đưa ra một số cải cách để giải quyết các lo ngại về vấn đề này. 7 năm sau đó, những kẻ tấn công đã bị kết án tử hình ở New Delhi.

Sáng kiến mới nhất của Mumbai cũng "tiếp bước" các thành phố khác trên thế giới khi sử dụng đèn giao thông để nêu lên bình đẳng giới. Ở một số thành phố của Đức, các ngã tư đường phố từ lâu đã xuất hiện cả hình ảnh nam và nữ, trong khi thủ đô Vienna của Áo đã thêm hình các cặp đôi đồng tính vào đèn giao thông từ năm 2015. Tháng 2 năm ngoái, thành phố Geneva của Thụy Sĩ thông báo rằng họ sẽ thay thế hình người nam cầm gậy bằng hình phụ nữ trên một nửa biển báo giao thông, bên cạnh một loạt các hình tượng đa dạng khác, bao gồm một phụ nữ mang thai, hai phụ nữ nắm tay và một phụ nữ afro.

Không ít phản đối và nghi ngờ

Tuy nhiên, những sáng kiến đổi mới này đôi khi cũng vấp phải sự phản đối. Ví dụ, khi Melbourne thêm hình ảnh phụ nữ vào bộ đèn giao thông vào năm 2017, một số người dân lập luận rằng trên thực tế, không nhất thiết phải cho rằng hình người mặc quần dài là nam trong khi người mặc váy là nữ. Những người khác cũng đặt câu hỏi liệu số tiền bỏ ra để thay đổi thiết kế đèn có thể được chi tiêu vào các vấn đề khác để giải quyết bất bình đẳng giới theo những cách thiết thực hơn hay không.

Với việc Ấn Độ đứng thứ 112 trong số 153 quốc gia trong chỉ số bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các lập luận tương tự đã xuất hiện để phản đối với đèn giao thông phân biệt giới tính của Mumbai. Ấn Độ từ lâu đã phải "đau đầu" với tình trạng bất bình đẳng giới bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa và phổ biến. Nhiều gia đình vẫn thích con trai hơn con gái, dẫn đến Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ giới tính chênh lệch nhất trên thế giới. Cứ 100 bé gái sinh ra ở Ấn Độ thì có 107 bé trai .

Theo một nghiên cứu năm 2018, khoảng 239.000 trẻ em gái dưới 5 tuổi tử vong do bị bỏ rơi có liên quan đến phân biệt giới tính, và con số này lên tới 2,4 triệu trong một thập kỷ. Và mặc dù chính phủ đã cam kết tạo ra sự thay đổi từ sau vụ cưỡng hiếp trên xe buýt năm 2012, nhưng bạo lực tình dục và tấn công phụ nữ vẫn tiếp diễn, mà nhiều người gọi là "cuộc khủng hoảng hiếp dâm" của Ấn Độ.

Một người dùng twitter để đáp lại Thackeray: "Quyền lợi thực sự chỉ tồn tại khi luật pháp bảo vệ phẩm giá của phụ nữ. Điều đó không chỉ đơn thuần là đưa hình ảnh phụ nữ lên đèn giao thông".

Kim Ngọc (Theo edition)