Bà Michaela Friberg-Storey, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Kazakhstan nhấn mạnh điều đó trong phát biểu tại tọa đàm “Phá vỡ rào cản: Phụ nữ trong ngoại giao” tại Đại học Maqsut Narikbayev (MNU) ở thủ đô Astana, Kazakhstan vào ngày 21/6.
|
Tọa đàm “Phá vỡ rào cản: Phụ nữ trong ngoại giao” mang đến câu chuyện về những phụ nữ truyền cảm hứng trong ngành ngoại giao. (Nguồn: UN) |
Tọa đàm do Văn phòng Liên hợp quốc tại Kazakhstan, MNU và Viện Phát triển công Kazakhstan phối hợp tổ chức nhằm nêu bật những đóng góp to lớn của phụ nữ trong lĩnh vực ngoại giao, chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của các nhà ngoại giao nữ cũng như thảo luận các chiến lược nhằm thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới trong lĩnh vực này.
Sự kiện diễn ra trước Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngành ngoại giao (24/6), theo nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/6/2022.
Chỉ cùng nhau, mới đạt kết quả mong muốn
Bà Michaela Friberg-Storey, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Kazakhstan nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới trong ngoại giao. “Ngoại giao đòi hỏi những gì tốt đẹp nhất của con người. Điều đó tốt nhất phải được gặt hái từ cả phái nam và phái nữ. Chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể đạt được những kết quả mong muốn trong hòa bình và phát triển”, bà khẳng định.
Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1992, Kazakhstan có đại sứ nữ đại diện cho đất nước ở tổ chức đa phương lớn nhất thế giới 17 năm trong tổng số 32 năm.
Số lượng nữ đại sứ tại Kazakhstan hiện nay là 11 trên tổng số 67 và hiện có 3 nữ đại sứ từ Kazakhstan. Mặc dù những con số này không cao như kỳ vọng nhưng tiếp tục cho thấy một xu hướng tích cực do chính phủ Kazakhstan tập trung mạnh mẽ vào việc trao quyền cho phụ nữ.
Hội thảo có sự tham gia của bà Madina Jarbussynova, cựu Đại diện thường trực của Kazakhstan tại Liên hợp quốc. Bà ghi tên vào lịch sử ngoại giao Kazakhstan khi được bầu vào Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Bà Jarbussynova cho biết: “Việc tôi được bầu vào CEDAW là sự công nhận những thành tựu ở Kazakhstan trong lĩnh vực này bởi vì tôi là chuyên gia đầu tiên được bầu không chỉ từ Kazakhstan mà còn từ Trung Á kể từ khi các quốc gia này giành được độc lập”.
Là phụ nữ từng đảm nhiệm vị trí ngoại giao hàng đầu như vậy, bà Jarbussynova đã vạch ra tầm quan trọng của việc xác định công việc như một đấu trường cho thành tích cá nhân bất kể giới tính và không có khuôn mẫu.
“Gần một nửa số nhân viên trong Bộ Ngoại giao là phụ nữ trẻ. Nhưng khi nhìn vào lãnh đạo cấp vụ trở lên hay đếm số lượng nữ đại sứ, chúng ta mới thấy được những điểm tiêu cực của tình trạng này. Tôi nghĩ đó là sự tiếp nối của một số quan điểm rập khuôn cho rằng ngoại giao là địa hạt của nam giới”, bà Jarbussynova nói, ủng hộ việc phụ nữ được đề cử vào các vị trí cao hơn trong ngoại giao.
Nhà ngoại giao kỳ cựu khẳng định: “Ai cũng biết rằng khi phụ nữ tham gia chính trị, họ giải quyết các vấn đề có lợi cho người dân, thay đổi đời sống xã hội, môi trường và xây dựng hòa bình”.
“Bằng cách thúc đẩy một môi trường cho phụ nữ phát triển mạnh, chúng ta mở đường cho các cam kết ngoại giao hiệu quả và bền vững hơn trên trường quốc tế”. (Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Kazakhstan Michaela Friberg-Storey)
|
Tại tọa đàm, Đại sứ Anh tại Kazakhstan Kathy Leach đã chia sẻ lịch sử về sự đồng hành của Bộ Ngoại giao nhằm hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực ngoại giao, chẳng hạn như làm việc linh hoạt và chia sẻ công việc.
Giữa gia đình và công việc, Đại sứ Leach thừa nhận rằng phụ nữ được đánh giá khác với nam giới. Bà khuyến khích phụ nữ tạo ra hệ thống hỗ trợ của riêng mình và tự tin vào nỗ lực của mình.
Bà ví von sự tự tin của nhà ngoại giao nữ với “việc bước vào một căn phòng như thể bạn thuộc về căn phòng đó. Đó là việc ngồi ở hàng ghế đầu, đặt ra câu hỏi đầu tiên… chứ không phải là ngồi ở phía sau và né tránh”.
Điều quan trọng là chứng tỏ cho mọi người thấy sự hiện diện trong phòng không phải “để pha trà mà vì bạn có một công việc chuyên môn phải làm. Vì vậy, hãy bước vào căn phòng đó như thể bạn sở hữu căn phòng đó và có quyền ở trong đó”.
Theo Đại sứ Nam Phi tại Kazakhstan Keitumetsi Seipelo Tandeka Matthews, cuộc đấu tranh giải phóng của phụ nữ ở Nam Phi đã quyết định con đường và sự tham gia của họ vào ngoại giao. Lời khuyên của nhà ngoại giao Nam Phi là phụ nữ nên thực thi quyền lực bằng lòng tốt và sự lịch thiệp.
“Bạn cần phải tự tin… Bạn cần phải có học thức, quan tâm đến mọi người, tôn trọng các nền văn hóa và những người khác. Bạn cần phải có cách hành xử xuất sắc”, Đại sứ Matthews nói.
Nhà ngoại giao nữ “không cần phải giống một người đàn ông chỉ vì bạn đang làm công việc của đàn ông”. Bà Matthews đánh giá là “tồi tệ” khi “bắt chước một người đàn ông vì anh ta muốn đứng đầu. Điều đó thật đáng xấu hổ, tôi không ủng hộ và đó là điều mà chúng ta nên ngăn cản”.
|
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao Kazakhstan và các thành viên ngoại giao đoàn ở nước này. (Nguồn: UN) |
Ngày 20/6/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết quy định ngày 24/6 hằng năm là Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngành ngoại giao.
Nghị quyết nêu rõ tất cả quốc gia thành viên và các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự, các tổ chức học thuật, hiệp hội các nhà ngoại giao nữ và các bên liên quan khác hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngành ngoại giao hằng năm để thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ ở mọi cấp độ ngoại giao.
|
Theo baoquocte