Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)
Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Chiều 9/11, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra Tọa đàm định hướng phát triển hai chiều cộng đồng doanh nghiệp Việt-Nhật do Hội cựu sinh viên Đại học Ngoại thương tại Nhật Bản (FAJ) tổ chức.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của đại diện 45 doanh nghiệp của Nhật Bản và doanh nghiệp người Việt tại Nhật Bản đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, đây là lần thứ hai FAJ tổ chức sự kiện trong “Tuyến chương trình kết nối doanh nghiệp” của hội, sau thành công của lần thứ nhất diễn ra vào năm 2022.

Điểm mới của Tọa đàm năm nay là có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực từ thương mại, nguồn nhân lực, bất động sản, công nghệ thông tin… và cũng không giới hạn trong phạm vi của các doanh nghiệp trong nội bộ thành viên của hội.

Phát biểu tại tọa đàm với tư cách là cố vấn của FAJ, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh, một cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, đánh giá cao sự gắn bó, đoàn kết, ý tưởng sáng tạo không ngừng của các thế hệ sinh viên trong việc kết nối, thúc đẩy các cơ hội hợp tác cùng phát triển vì cộng đồng, vì đất nước và vì quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

ttxvn thuc_day_ket_noi_hai_chieu_cong_dong_doanh_nghiep_viet-nhat2_resize.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Những buổi tọa đàm, giao lưu theo hình thức này có thể giúp cho các bạn Nhật Bản hiểu thêm về khả năng, nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cùng nhau tìm kiếm cơ hội khai thác tốt tiềm năng hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể.

Buổi tọa đàm có 4 diễn giả chính là những nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia kinh tế của Nhật Bản và Việt Nam trình bày những nội dung thiết thực như Bật mí các doanh nghiệp tối ưu thuế và tăng hiệu suất sử dụng vốn bảo hiểm; Giải pháp quảng cáo và truyền thông tại Nhật Bản; Thách thức và chiến lược quản trị đa quốc gia trong môi trường đa văn hóa; Cơ hội và thách thức của ngành Offshore Việt Nam trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài ra, sự kiện cũng dành một thời lượng đáng kể để đại diện các doanh nghiệp tự giới thiệu, cũng như giao lưu tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại Nhật Bản.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, chị Đoàn Thu Quỳnh, Phó Chủ tịch FAJ, trưởng Ban tổ chức sự kiện cho biết FAJ được thành lập từ năm 2014 đến nay đã tròn 10 năm. Tôn chỉ của hội không chỉ là kết nối, giao lưu gắn kết giữa các sinh viên, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương mà còn cống hiến vì cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Điểm nhấn của sự kiện năm nay là không giới hạn phạm vi các doanh nghiệp đăng ký tham dự, không giới hạn lĩnh vực mà mở rộng đối với tất cả các doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu kết nối hợp tác với nhau.

Mục đích chính của “Tuyến chương trình kết nối doanh nghiệp” là giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nhật Bản có thêm dư địa để tìm kiếm, khám phá tiềm năng của nhau, từ đó định hướng hợp tác phát triển hai chiều, mang lại lợi ích của các doanh nghiệp cũng như lợi ích cộng đồng.

ttxvn thuc_day_ket_noi_hai_chieu_cong_dong_doanh_nghiep_viet-nhat3_resize.jpg
Ông Kiyotaka Miyazaki, trưởng Chi nhánh Ngân hàng Suruga tại quận Shinjuku trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Tham dự sự kiện, ông Kiyotaka Miyazaki, trưởng Chi nhánh Ngân hàng Suruga tại quận Shinjuku cho biết: “Ngân hàng Suruga hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ cho người nước ngoài nên đây là cơ hội rất tốt để gặp gỡ các chủ doanh nghiệp là người Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi tin rằng mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước không chỉ ngày càng trở nên gắn bó khăng khít mà còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn những sự kiện như thế này để doanh nghiệp hai nước có thể trực tiếp kết nối với nhau.”

Sau 10 năm hoạt động, đến tháng 7 vừa qua, FAJ đã chính thức ra mắt pháp nhân, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của cộng đồng những cựu sinh viên Đại học Ngoại thương tại Đất nước Mặt trời mọc.

“Tuyến chương trình kết nối doanh nghiệp” là một trong 8 tuyến hoạt động chính của FAJ, trong đó có giao lưu mở rộng mối quan hệ; giao lưu thể thao, hoạt động thiện nguyện, chia sẻ kiến thức…

Tuy mới tổ chức được lần thứ hai nhưng sự kiện đã thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các đối tác Nhật Bản quan tâm đến cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Sự kiện không chỉ là nền tảng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm mà còn là không gian trao đổi, thảo luận về các thông tin hữu ích cho các bạn trẻ Việt Nam đang có ý định khởi nghiệp tại Nhật Bản./.

Theo TTXVN/Vietnam+