Con của những lao động nhập cư nghèo tại thành phố Chennai, Ấn Đô. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 13/5, Liên hợp quốc cam kết thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững nhằm giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ các nền kinh tế và hỗ trợ quá trình phục hồi của các quốc gia chịu tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Nhóm Phát triển bền vững thuộc Liên hợp quốc (UNSDG), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed nhận định đại dịch COVID-19 đẩy các nước vào một tình trạng y tế, nhân đạo và kinh tế xã hội khẩn cấp toàn cầu.
COVID-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ, làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện nay như bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Do đó, cách thức ứng phó của Liên hợp quốc hiện nay là kích hoạt các biện pháp cải cách cho phép thể chế đa phương này giải quyết tốt hơn cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay ở chế độ khẩn cấp.
Theo thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc họp, lãnh đạo 41 thực thể thành viên của UNSDG nhất trí cho rằng nếu thế giới không quyết tâm hành động, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng ở quy mô toàn cầu, cũng như làm xói mòn những thành tựu về phát triển bền vững đã đạt được.
UNSDG nhấn mạnh chỉ có các biện pháp ứng phó hiệu quả và ngay lập tức về mặt kinh tế-xã hội, cũng như đoàn kết quốc tế, mới giúp giảm thiểu những tác động của dịch COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong và bảo vệ "Hành tinh Xanh" trong những năm sau này.
Tại cuộc họp, các thành viên UNSDG đã thảo luận về nỗ lực thực hiện khuôn khổ ứng phó của Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với kinh tế-xã hội. Khuôn khổ này kêu gọi bảo vệ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để giúp các nền kinh tế phục hồi càng sớm càng tốt, theo đó hướng đến một lộ trình phát triển bền vững hơn.
Dự kiến, kế hoạch phục hồi của Liên hợp quốc sẽ được công bố trong vòng 12-18 tháng tới.
Theo vietnamplus