|
|
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Hùng Anh) |
Kim ngạch thương mại hai nước chưa tương xứng với tiềm năng
Ngày 8/11, trong khuôn khổ chương trình hội thảo quốc tế nhân dịp 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pakistan, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam phối hợp cùng Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tổ chức phiên thảo luận về cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam – Pakistan.
Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương cho biết Pakistan là một trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á (cùng với Ấn Độ và Bangladesh), đồng thời là một trong hai thị trường tại Nam Á mà Việt Nam có đại diện Thương vụ tại địa bàn.
Nền kinh tế Việt Nam – Pakistan bổ sung lẫn nhau, do đó có nhiều cơ hội hợp tác. Pakistan là nguồn cung cấp nguyên liệu cho một số ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam như nguyên liệu dệt may, nguyên liệu da giày, thủy sản giá trị cao. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Pakistan bao gồm chè, hạt tiêu, cá tra, cao su, xơ sợi dệt, sắt thép, một số máy móc công nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Pakistan tăng từ 579,9 triệu USD đến 794,1 triệu USD, tăng 54,4%.
|
|
Bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương. (Ảnh: Hùng Anh) |
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai nước chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, thuế nhập khẩu của Pakistan áp dụng với hàng Việt Nam tương đối cao do chưa có hiệp định thương mại song phương về ưu đãi thuế quan. Cụ thể mức thuế đối với hạt tiêu là 3%, chè 11%, cá basa và các loại thủy sản 20%.
Thứ hai, tất cả các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu và Pakistan phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal). Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều thông tin về tiêu chuẩn Halal, chưa nắm rõ quy trình đăng ký chứng nhận, do vậy còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Pakistan.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam hiện vấp phải một số rào cản chính sách từ phía Pakistan. Đơn cử, tháng 5/2022, Pakistan cấm nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu, trong đó có nhiều mặt hàng phía Việt Nam mong muốn thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ tư, hiểu biết của doanh nghiệp hai nước về thị trường và văn hóa kinh doanh của nhau còn tương đối sơ sài. Do vậy, trong những nội dung cần hợp tác, hai bên phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán, thương lượng dẫn đến kéo dài thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề khác như chưa có đường bay thẳng, chi phí vận chuyện hàng hóa cao gây ra nhiều trở ngại cho doanh nghiệp.
Hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 1 tỷ USD năm 2022
Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Pakistan, bà Lê Thị Mai Anh khuyến nghị Việt Nam và Pakistan cần khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận khảo sát thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động trao đổi, tìm hiếm cơ hội tiềm năng hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Pakistan cũng cần xem xét để đưa ra chính sách thuế nhập khẩu phù hợp, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước, đồng thời cần tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương.
Theo ông Umer Kamal, Phó Bí thư, Bộ Thương mại Đông Bắc & Nam Á và Thái Bình Dương, Pakistan, để thúc đẩy thương mại sang thị trường Pakistan, Việt Nam cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, phát huy thế mạnh của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, xơ, sợi, sắt, thép, máy móc công nghiệp, linh kiện máy,…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng hai bên cần kết hợp với hai đại sứ quán nhằm tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Pakistan thông qua các hoạt động như xúc tiến thương mại, cử đoàn doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ tại Pakistan.
Bà Trương Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng ban Quan hệ Quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, chính phủ hai bên nên rà soát và trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan liên quan và doan nghiệp nhằm giải quyết vấn đề cản trở giao thương. Cần có các giải pháp về thuế, các hiệp định thúc đẩy thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và các nền tảng thương mại điện tử để khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý.
Theo bà Ngọc, cần phát huy vai trò của Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Pakistan và các cơ chế hợp tác song phương khác trong việc thúc đẩy thương mại song phương. Cần đưa nội dung về Halal vào kỳ họp sắp tới của Ủy ban liên chính phủ, qua đó tăng cường trao đổi giữa Việt Nam – Pakistan về việc cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn Halal, là cơ sở cho các sản phẩm Việt Nam tiến vào thị trường Pakistan. Cần phát huy vai trò của đại sứ quán, thương vụ và các bộ, ban ngành hai nước trong việc xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác.
Bà Trương Thị Bích Ngọc cho biết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với đại sứ quán và các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp hai bên cùng hợp tác phát triển, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Pakistan đạt 1 tỷ USD năm 2022.
Theo thoidai