|
|
Sally Bahat, một luật sư 28 tuổi đến từ Mumbai, Ấn Độ trong ngày cưới của mình. Ảnh: Twitter |
Để chuẩn bị cho đám cưới, tháng 12 năm ngoái, Sally Bahat, nữ luật sư 28 tuổi ở Mumbai được gia đình chồng tương lai dẫn đi mua đồ cưới theo phong tục. Sally không ngờ việc mua bán lại kết thúc trong nước mắt.
"Cô phải trả giá cao hơn nếu muốn đặt đúng mẫu váy cưới này", chủ cửa hàng nói. "Để may váy, chúng tôi phải mua thêm vải và trang trí thêm nhiều họa tiết".
Sally từ lâu biết mình mập mạp, nhưng câu nói của chủ cửa hàng khiến cô đau lòng. Hơn nữa, sự việc lại xảy ra trước mặt thành viên gia đình chồng tương lai. "Tôi cảm thấy bị sỉ nhục", cô nói.
Tháng 8, Tanaya Narendra, một bác sỹ nổi tiếng trên mạng xã hội đã đăng bài về "chứng lo lắng về cơ thể trước hôn nhân", phơi bày vấn đề tồn tại lâu nay tại quốc gia tỷ dân này.
Khi cô chọn váy cưới tại một cửa hàng nổi tiếng, nhân viên ở đây soi mói từ đầu tới chân. "Họ nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi: Ồ, bạn sắp kết hôn ư? Họ hỏi như thể tôi không được phép kết hôn được vậy", cô kể.
Tanaya Narendra không phải phụ nữ đầu tiên lên tiếng bởi sự kỳ thị dành cho phụ nữ có cân nặng vượt chuẩn. Nhưng với tư cách là một blogger được giới trẻ yêu thích, bài đăng của cô gây được tiếng vang.
Shriya Momaya, 27 tuổi, đang chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 11. Trước khi nhìn thấy bài đăng của Tanaya, cô nghĩ mình là "cô dâu béo duy nhất trên thế giới".
"Khắp mọi nơi từ phim ảnh, tạp chí đến những quảng cáo ven đường, đâu đâu cũng thấy những cô dâu mỏng manh, gầy guộc. Hình ảnh đó khiến mọi người định hình, cô dâu phải có vóc dáng mình hạc xương mai", Shriya nói. Cô gái này cho hay, khi bước vào cửa hàng áo cưới, nếu kích cỡ lớn hơn 2XL, các nhân viên sẽ chỉ trỏ, cười cợt, thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố: "Không bao giờ có size lớn hơn trong cửa hàng".
Khi mua Lehenga (một mẫu váy dài truyền thống dùng trong đám cưới ở Ấn Độ) Shriya đã đến một cửa hàng và thích chiếc váy giá 40.000 rupee (hơn 12 triệu đồng). Tuy vậy nhân viên nói rằng cô sẽ phải trả 58.000 rupee (17,6 triệu đồng) cho cùng mẫu váy, bởi thừa cân.
|
|
Đám cưới của Tanaya Narendra, một bác sĩ Ấn Độ. Ảnh: Twitter |
Ở Ấn Độ, nhiều cửa hàng gọi số tiền trả thêm này là "thuế béo phì". Họ cho rằng trang phục ngoại cỡ đương nhiên sẽ sử dụng nhiều vải hơn. Cùng với đó cách trang trí và thêu trang phục cô dâu Ấn Độ rất phức tạp nên giá phải tăng. Tuy vậy những người phản đối như Shriya lập luận: Nếu người gầy không được giảm giá thì tại sao người béo phải trả nhiều hơn?
Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận, gần đây một số thương hiệu may mặc, đặc biệt là các thương hiệu nổi tiếng nhận ra nếu chỉ chạy theo số đo nhất định, sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.
Neha Parulkar, một người ủng hộ người mẫu ngoại cỡ Ấn Độ và phong trào "tự yêu cơ thể", cho biết: "Nhiều thương hiệu đã phát triển thêm các kích cỡ lớn hơn, ví dụ như 2XL hoặc 3XL, không còn giới hạn về số đo như trước".
Đối với nàng dâu Shriya Momaya, sự sỉ nhục từ người quen về ngoại hình càng khiến cô thêm đau đớn.
Cô gái này có công việc kinh doanh riêng, làm ăn thuận lợi. Tuy vậy mẹ chồng tương lai từng đề xuất cô nên nghỉ việc vài tháng trước khi kết hôn để tập trung giảm cân. Shriya cũng từng nghe bà đánh giá con dâu với họ hàng: "Ngay cả người nhỏ cũng béo gấp đôi nếu mặc Lehenga. Hãy tưởng tượng Shriya trong ngày cưới sẽ như thế nào".
Shriya thừa nhận việc cô là một doanh nhân giỏi giang, thông minh vẫn chưa đủ điều kiện lấy chồng. "Bởi tôi thừa cân", cô chua xót.
Shriya từng bị trầm cảm nặng. Bất kể người thân, người lạ khi tiếp xúc dù ít hay nhiều cũng buông lời chỉ trích ngoại hình của cô. Đây là nguyên nhân khiến căn bệnh trầm cảm tái phát nhiều lần.
"Ở Ấn Độ, chúng tôi lớn lên trong một nền văn hóa tập thể", nhà tâm lý học và trị liệu tâm lý Hvovi Bhagwagar nói, văn hóa này đặt nhu cầu và mục tiêu của nhóm người lên trên nhu cầu và mong muốn cá nhân. Điều này rõ ràng hơn với phụ nữ Ấn Độ, những người ít được chủ động lựa chọn bạn đời, và hôn nhân sắp đặt rất phổ biến.
Theo quan sát của Bhagwagar, với nhiều gia đình, của hồi môn thường được quyết định bởi chiều cao, cân nặng, màu da và ngoại hình phụ nữ. Một số bệnh nhân cũ của Bhagwagar có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước đám cưới, chủ yếu là lo âu hoặc trầm cảm. "Họ ghét thân hình mình. Đôi khi trước đám cưới họ còn chẳng dám ăn uống gì", ông chia sẻ.
|
|
Niha Paluka, một người mẫu ngoại cỡ người Ấn Độ và là người ủng hộ phong trào tự yêu cơ thể. Ảnh: Twitter |
Zinat, 32 tuổi, nói rằng cô cũng trải qua cảm giác khủng hoảng bởi thừa cân. "Mẹ thường nói, để tìm được chồng tốt, tôi ít nhất phải giảm 20 kg".
Cách đây vài năm, Zinat mắc bệnh cường giáp khiến cân nặng của cô tăng nhanh. Điều này khiến người mẹ tức giận mắng mỏ con gái, nói cô không xứng đáng có một người đàn ông tử tế. Câu nói của mẹ đã giết chết lòng tự trọng của Zinat, khiến cô mắc chứng rối loạn hoảng sợ. Dưới áp lực tuổi tác, cuối cùng cô phải gật đầu với một chàng trai được mẹ sắp đặt, dù không yêu, bởi: "Người này không quá quan trọng ngoại hình của con".
"Điều dặn dò mẹ nói với tôi trong đám cưới là, nếu nghe lời khuyên giảm cân của bà, có lẽ tôi đã tìm được người đàn ông tốt hơn", Zinat nói.
Theo vnexpress