Tuần lễ Phim thời trang (Fashion Week) lần thứ 3 do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức là sự kiện hàng năm thu hút được sự quan tâm và mong đợi của công chúng Việt Nam. Sự kiện diễn ra vào đúng vào thời điểm Tuần lễ Thời trang tại Paris. Đây là dịp mà giới mộ điệu có thể khám phá được những bí mật, hậu trường của ngành thời trang: từ ngành thời trang may sẵn đến thời trang cao cấp.

Mở đầu cho Tuần lễ là bộ phim Việt Nam Tấm Cám: Chuyện chưa kể (tên tiếng Anh: Tam Cam: The untold story). Ngoài việc lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích quốc dân Tấm Cám nhưng khai thác theo hướng kỳ ảo và lồng ghép những mưu kế thâm trầm từ góc độ những nhân vật khác, bộ phim đầu tay của Ngô Thanh Vân còn khiến khán giả không thể rời mắt khỏi những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam những thế kỷ trước nhưng vẫn mang âm hưởng nghệ thuật trong từng tà áo, trâm cài.

Bộ phim không đơn thuần kể lại một câu chuyện cổ tích mà còn tái hiện cho người xem dòng lịch sử rực rỡ của thời trang Việt xưa.

thuong thuc tuan le phim thoi trang thu vi tai viet nam
Poster Tuần lễ Phim Thời trang 2020. (Nguồn: BTC)

Năm nay, Viện Pháp giới thiệu 4 bộ phim tài liệu Pháp chưa từng được công chiếu ở Việt Nam: hai phóng sự về ngành thời trang Cách mạng thời trang và Đàn ông phong cách và hai bức chân dung về những nhà thiết kế vĩ đại: Karl Lagerfeld và Christian Louboutin.

Cách mạng thời trang

Được viết bởi Ariel Wizman và Laurent Lunetta, bộ phim tài liệu Cách mạng thời trang (tên tiếng Pháp: Révolte dans la mode) phân tích góc khuất, sự trôi dạt của ngành công nghiệp không khói thông qua các cuộc phỏng vấn phong phú với các chuyên gia, trong đó đáng chú ý là nhà tiên tri nổi tiếng Li Edelkoort, và thông qua hoạt hình đồ họa.

Ở New York, Tel Aviv, Amsterdam hay Paris, bộ phim cũng góp tiếng nói cho những nhà hoạt động thời trang quốc tế mới, có mong muốn suy nghĩ lại về hệ thống ngành thời trang nói chung. Từ Daniel Harris, một nhà sản xuất trẻ người Anh, người ủng hộ việc quay trở lại với nghề dệt thủ công, đến Iris Van Herpen, người tiên phong trong việc sử dụng 3D, những nhà thiết kế đầy ý tưởng sáng tạo mang đến tầm nhìn mới, góp phần định hình lại thời trang cao cấp.

Đàn ông phong cách

Sau 5 bộ phim tài liệu về nhành thời trang được chiếu tại Fashion Week 2019 tại Việt Nam, một lần nữa khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức một bộ khim đặc sắc và mới mẻ của đạo diễn Loïc Prigent. Bằng sự tinh tường về ngành thời trang cùng với cách tiếp cận mới mẻ, thông qua Đàn ông phong cách (tên tiếng Pháp: Des hommes stylés), Loïc Prigent đã tạo ra một cơn lốc những hình ảnh ngọt ngào nhưng đầy chân thực, vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về sự ngông cuồng của những nhà sáng tạo cũng như thói quen quái dị của các quý ông ngày nay, đồng thời không quên tôn vinh những người làm việc không mệt mỏi để làm đẹp hình ảnh cho những quý ông này.

Cuộc thám hiểm của Loïc đã mang đến cảm giác về hơi thở tự do tràn đầy sức sống đang làm rung chuyển tủ quần áo của các đấng mày râu, chiếc tủ vốn bị lên án hà khắc từ thời Victoria.

thuong thuc tuan le phim thoi trang thu vi tai viet nam
Hình ảnh trong phim Cách mạng thời trang. (Nguồn: BTC)

Chân dung tự họa của Karl Lagerfeld

Ngồi ở bàn làm việc, với sổ ghi chép và bút đánh dấu trong tay, Karl Lagerfeld phác họa các sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, kết thúc chúng bằng những bình luận và những mẩu chuyện thân mật, sống động, nhuốm màu tự chế giễu và đôi khi cả cảm xúc. Sau khi tự vẽ mình trong trang phục buổi sáng - một chiếc áo sơ mi trắng dài, cổ rộng - ông phác họa thời thơ ấu của mình (nhà, bố mẹ, những chiếc quần áo cũ ...), những bước đi đầu tiên với tư cách nhà thiết kế tại Paris của ông là làm việc cho Balmain, rồi sang làm cho Jean Patou.

Năm 1965, ông trở thành người lính đánh thuê vĩ đại của ngành thời trang quần áo may sẵn. Năm năm sau, ông gặp người đàn ông của đời mình, chàng quý tộc Jacques de Basher ... Qua Chân dung tự họa của Karl Lagerfeld (tên tiếng Pháp: Karl Lagerfeld se dessin), chúng ta có cơ hội hiểu sâu sắc hơn không chỉ về cuộc đời nhiều màu sắc của nhà thiết kế thời trang vĩ đại của nước Pháp mà còn thấy được sự chuyển mình vô hình nhưng nhanh chóng của làn sóng thời trang thế giới.

Theo dấu chân Christian Louboutin

Christian Louboutin là một nhà thiết kế thời trang với sự nghiệp ấn tượng và độc đáo. Ở những nơi xa xôi, cách xa hoàn toàn công xưởng của ông tại Italy, nơi những bí quyết sản xuất tỉ mỉ ngự trị, Christian thường tự khóa mình lại để thoát ra khỏi những ràng buộc tầm thường và vẽ theo sự sáng tạo không giới hạn. B

Bộ phim tài liệu Theo dấu chân Christian Louboutin (tên tiếng Pháp : Sur les pas de Christian Louboutin) là cơ hội để nhà thiết kế tài năng thể hiện tình yêu với những đôi giày, bày tỏ lòng tôn kính đối với các nghệ sĩ và nghệ nhân đã đi qua sự nghiệp của ông và khơi dậy nguồn cảm hứng và sự phấn khích mỗi khi được sáng tạo trong ông.

Có thể nói, 5 bộ phim với đa dạng thể loại về thế giới thời trang hứa hẹn đem lại cho người xem những cảm xúc bùng nổ, những trải nghiệm đặc sắc cũng như những góc nhìn đa chiều, chân thực hơn về làng mode thế giới.

Theo baoquocte.vn