leftcenterrightdel
 Người dân theo đạo Hồi tham quan, mua sắm tại cửa hàng thực phẩm Halal tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, với quy mô dân số hơn 170 triệu người, đứng thứ 4 thế giới, và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 1.187 tỷ USD vào năm 2021, “quốc gia vạn đảo” này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các mặt hàng xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tham tán thương mại Phạm Thế Cường cho biết Indonesia còn được xem là thị trường dễ tính và có nét văn hóa Á Đông gần gũi.

Đây là cơ hội thâm nhập cho nhiều loại hàng hóa với các cấp độ chất lượng khác nhau.

Hàng hóa Việt Nam cũng đã có chỗ đứng nhất định tại Indonesia, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, tạo tiền đề đẩy mạnh thâm nhập thị trường này.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ do đây là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận Halal, quy định về cảng nhập khẩu, tiêu chuẩn quốc gia SNI, tiêu chuẩn nội địa hóa, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách tự chủ về lương thực.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn khác như đặc điểm địa lý Indonesia với khoảng 17.500 hòn đảo, làm gia tăng chi phí logistics dẫn tới giá hàng hóa nhập khẩu cao; sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa từ các nước ASEAN khác; cơ cấu hàng hóa nhóm hàng nông, thủy sản tương đồng với Việt Nam…

Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Thương vụ Việt Nam đã và đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, chủ động phối hợp và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), chi nhánh của Kadin ở các tỉnh thành, các Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội các nhà nhập khẩu tổ chức các hội thảo giới thiệu thị trường, các sản phẩm, ngành hàng thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, nông sản, hàng công nghiệp chế tạo... của Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch bệnh COVID-19 hoành hành hơn 2 năm qua, Thương vụ đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua hình thức giao thương trực tuyến, các buổi tư vấn thâm nhập thị trường đối với các mặt hàng như gạo, trái cây…; giới thiệu tiềm năng thị trường Indonesia do Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang lại; hỗ trợ các sản phẩm sữa, phômai và phở ăn liền của Việt Nam thâm nhập thị trường và đang trong giai đoạn đăng ký lưu hành với Cơ quan quản lý Indonesia.

Hai là, vận động thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Indonesia vào Việt Nam, góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại. Từ đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp Indonesia - trong đó có một doanh nghiệp chế biến dầu ăn - tiến hành các thủ tục đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng tích cực hỗ trợ một doanh nghiệp phân phối bán lẻ của Việt Nam đầu tư vào Indonesia và hiện đang chuẩn bị khai trương cửa hàng tại thủ đô Jakarta.

Ba là, ưu tiên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xin cấp giấy chứng nhận Halal.

Tại kỳ họp Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia diễn ra vào tháng 7/2022, Thương vụ đã nêu đề nghị phía Indonesia tạo thuận lợi cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp Việt Nam và sớm công nhận đủ điều kiện cho Cơ quan chứng nhận Halal Việt Nam (HCA).

Đề xuất này đã được chấp thuận và đưa vào biên bản kỳ họp, tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục vận động các cơ quan hữu quan của Indonesia trong vấn đề này.

Bốn là, Thương vụ đã phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Công Thương tham gia các phiên điều trần bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam; làm việc với các Hiệp hội và các nhà nhập khẩu lớn để giải thích, vận động tác động chính sách tới các cơ quan hữu quan của Indonesia nhằm giảm thiểu các bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam.

Trước việc Indonesia bất ngờ tạm ngừng xuất khẩu than đá vào tháng 1/2022, khiến một số tàu của Việt Nam không thể rời cảng dù đã bốc xong hàng, Thương vụ đã làm việc với Bộ Tài nguyên khoáng sản Indonesia và đề nghị ưu tiên tháo gỡ khó khăn này.

Các nỗ lực nói trên đã góp phần đưa kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Indonesia tăng nhanh trong 5 năm qua, từ mức 6,81 tỷ USD vào năm 2017 lên 11,5 tỷ USD vào năm 2021, vượt mục tiêu 10 tỷ USD được lãnh đạo cấp hai nước đề ra.

Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 9,39 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,08 tỷ USD, tăng 22,8%.

Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường cho rằng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia minh chứng cho nỗ lực và thành công bước đầu của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thâm nhập thị trường có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất, song cũng là thị trường có tính bảo hộ cao nhất Đông Nam Á.

Trong thời gian tới, bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công Thương tại các buổi làm việc với hệ thống cơ quan Thương vụ vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, tập trung vào các mặt hàng có lợi thế so sánh của Việt Nam và phối hợp các đơn vị hữu quan của Việt Nam để tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Indonesia.

Thương vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phía Indonesia mở cửa thị trường cho một số trái cây chủ lực của Việt Nam như vải, nhãn; phối hợp với các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực gia công phần mềm, cũng như các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép, dây cáp điện, cáp quang… phục vụ dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia tại tỉnh Đông Kalimantan./.

Theo vietnamplus