"Chúng ta rõ ràng là đang gặp vấn đề", Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven phát biểu tại cuộc họp truyền thống giữa người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo phe đối lập.
Câu nói của ông Lofven không liên quan đến đại dịch Covid-19, mà để mô tả một mùa hè đầy bạo lực khiến nhiều dân đất nước thanh bình này cảm thấy khó tin.
Người dân đặt hoa tại địa điểm nơi một bé gái 12 tuổi thiệt mạng vì đấu súng giữa các băng đảng ở phía nam thủ đô Stockholm hồi tháng 9. Ảnh: AP.
Bạo lực gia tăng tại đất nước nổi tiếng thanh bình
Từ đầu năm tới nay, Thụy Điển chứng kiến 210 vụ nổ súng và 24 vụ giết người liên quan đến băng đảng. Thanh niên nước này đang bắn giết nhau với tỷ lệ cao gấp 10 lần Đức.
Hồi tháng 9, ở Botkyrka, phía nam Stockholm, một bé gái 12 tuổi đã tử vong khi đang dắt chó đi dạo vì một viên đạn lạc từ cuộc đấu súng giữa các thành viên băng đảng. Trong một chương trình trên truyền hình sau đó, bạn học của nạn nhân cho biết những vụ nổ súng đơn giản là một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Một đứa trẻ nói rằng hầu như đêm nào em cũng nghe thấy tiếng súng nổ. Và đó có lẽ là điều gây kinh ngạc cho người dân Thụy Điển, rằng lũ trẻ ở những khu vực này đã quen với bạo lực như thế nào.
Mats Lofving, phó cảnh sát trưởng quốc gia, đầu tháng này đã trả lời rất thẳng thắn về bản chất của tình hình tội phạm mà ông và các cộng sự đang phải giải quyết. Có ít nhất 40 băng đảng gia đình đang hoạt động tại Thụy Điển, và ông Lofving khẳng định rằng có những người nhập cư chỉ đến quốc gia này "vì mục đích duy nhất là tham gia tội phạm có tổ chức".
Theo ông Lofving, những băng đảng gia đình này kiếm tiền chủ yếu từ buôn bán ma túy và tống tiền, có khả năng và sẵn sàng sử dụng bạo lực. Phát biểu của ông Lofving đã gây chấn động khắp cả nước, vì Thủ tướng Lofven từ trước tới nay luôn nói về tội phạm như một vấn đề kinh tế - xã hội. Khi được hỏi về bình luận của phó cảnh sát trưởng quốc gia, ông Lofven nói rằng: "Tôi không muốn liên hệ vấn đề tội phạm với chủng tộc".
Hiện trường vụ đánh bom liên quan đến bạo lực băng đảng ở trung tâm Stockholm hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Đây cũng được coi là cách tiếp cận trong nhiều năm với vấn đề này từ chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội, khi chỉ cần việc đặt câu hỏi về sự liên quan giữa tội phạm và nhập cư đã được coi là hành động bài ngoại. Tuy nhiên, vấn đề không phải là màu da. Vấn đề ở đây là một loại tội phạm ngoại nhập - những gia đình từ các nền văn hóa không phải Thụy Điển, sống trên đất nước này một cách khép kín và có khả năng làm ảnh hưởng tới những người dân Thụy Điển thuộc mọi chủng tộc.
Những băng đảng này được coi là đã thiết lập một chính quyền song song tại nhiều nơi trên đất nước, thách thức nhà nước Thụy Điển và đó là điều mà nhiều chính trị gia chưa thừa nhận thẳng thắn.
Vào tháng trước, xung đột giữa các băng đảng đối địch leo thang tới mức khó tin khi nhiều tay súng đeo mặt nạ đã dựng rào chắn và chốt kiểm soát an ninh đối với xe hơi đi vào một số khu dân cư nhất định ở Gothenburg. Đường phố vắng tanh vì các băng đảng ra lệnh cho người dân ở trong nhà.
Sự thật nhạy cảm
"Lần cuối tôi nhìn thấy các trạm kiểm soát do tội phạm lập nên là ở Afghanistan. Tôi chưa bao giờ nghĩ điều đó sẽ trở thành hiện thực ở Thụy Điển", hiệu trưởng một trường học ở địa phương cho biết.
Trong khi đó, các bác sĩ gia đình không thể thực hiện việc đến thăm khám thường kỳ cho bệnh nhân, và nhân viên từ các dịch vụ chăm sóc người già, người tàn tật phải có người hộ tống.
Chính phủ của ông Lofven đang phải chịu nhiều sức ép từ phe đối lập cũng như các đảng thiên hữu với cáo buộc thất bại trong việc xử lý tội phạm.
Mattias Karlsson, lãnh đạo tại quốc hội của đảng Dân chủ Thụy Điển - chính đảng lớn thứ 3 nước này với đường lối chống nhập cư, chia sẻ với tờ Financial Times: "Có một sự thất vọng và tức giận lớn trước những diễn biến này. Luật của chúng tôi quá mềm mỏng và cảnh sát không có đủ các phương tiện để điều tra loại tội phạm rất nghiêm trọng này".
Cảnh sát Thụy Điển mới đây lên kế hoạch giám sát nhiều đối tượng hơn, bao gồm cả những người chưa bị tình nghi. Biện pháp này được cho là đặc biệt nhắm tới tội phạm băng đảng.
"Chúng ta cần một sự thay đổi trong luật pháp để có thể giám sát những liên lạc được mã hóa trên điện thoại", ông Lofving nhấn mạnh.
Hiện tại, cảnh sát Thụy Điển chỉ được nghe lén những nghi phạm có hành vi phạm tội phải ngồi tù ít nhất 2 năm. Theo cảnh sát, việc nghe lén những người không bị tình nghi cụ thể sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về cấu trúc và hoạt động của tội phạm băng đảng.
Chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven đang phải chịu nhiều áp lực trước tình hình tội phạm băng đảng gia tăng. Ảnh: Reuters.
Cho đến những năm 1990, Thụy Điển vẫn là một trong những nước có chủng tộc đồng nhất ở châu Âu. Sau hàng thập kỷ nới lỏng chính sách nhập cư, bộ phận cư dân có nguồn gốc nhập cư đã tăng nhanh trong cơ cấu dân số Thụy Điển, hiện chiếm khoảng gần một phần tư trong hơn 10 triệu dân nước này.
Đảng Dân chủ Xã hội thường được lợi vì hầu hết người nhập cư đều bầu cho các chính đảng thiên tả.
Theo ông Tobias Hubinette, nhà nghiên cứu về dân số và chủng tộc, khoảng 52,8% trẻ em ở các thành phố lớn là người gốc nhập cư. Tùy thuộc vào tỷ lệ nhập cư và xu hướng nhân khẩu học, người gốc Thụy Điển được dự đoán sẽ trở thành một sắc dân thiểu số trên chính đất nước của họ trong khoảng từ năm 2040 đến năm 2065.
Theo Zing