Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Olofsdotter hồi cuối tháng 4 dự đoán thủ đô Stockholm có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trước Covid-19 vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, giới chức Thụy Điển thừa nhận họ sẽ không thể đạt được cột mốc này.

"Điều đó sẽ không xảy ra", nhà dịch tễ học Anders Tegnell, chiến lược gia dẫn đầu cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ Thụy Điển, cho biết trong email hôm 25/5. "Số liệu điều tra hiện nay khá khác nhau, nhưng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng của Stockholm nhiều khả năng dưới 30%. Như các bạn biết, việc tính toán tỷ lệ miễn dịch đối với nCoV gặp nhiều khó khăn".

Người dân thư giãn ở một nhà hàng tại thủ đô Stockholm hôm 15/4. Ảnh: AFP

Miễn dịch cộng đồng là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc đa số người dân ở một khu vực, quốc gia phát triển đủ kháng thể chống lại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Tuy nhiên, đây là chiến lược gây nhiều tranh cãi khi được áp dụng với Covid-19, dịch bệnh mới vẫn còn nhiều bí ẩn.

Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ và thời gian miễn dịch của những bệnh nhân khỏi Covid-19. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng với nCoV là phải có ít nhất 60% dân số có kháng thể chống lại virus. 

Không giống các nước láng giềng Bắc Âu, Thụy Điển không ban lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Chính phủ nước này áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội nhưng chủ yếu dựa trên ý thức tự giác và hợp tác của người dân mà không đề ra các chế tài trừng phạt người vi phạm.

Thụy Điển vẫn cho phép hầu hết quán bar, nhà hàng, trường học, cửa hàng bán lẻ mở cửa nhằm tránh gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Giới chức y tế cũng hy vọng chính sách mở cửa này đồng nghĩa với việc những người trẻ tuổi, ít có nguy cơ biến chứng vì Covid-19 sẽ phát triển khả năng miễn dịch trước virus, giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Thụy Điển hôm 20/5 công bố nghiên cứu cho thấy kháng thể nCoV chỉ xuất hiện trong 7,3% số mẫu xét nghiệm được chọn ngẫu nhiên từ người dân ở thủ đô Stockholm, khu vực bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nhất tại Thụy Điển, vào tuần cuối cùng của tháng 4.

Trong khi đó, với 39,26 người chết trên 100.000 dân, tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển không chỉ cao hơn Mỹ, nơi có tỷ lệ là 29,87/100.000 dân, mà còn vượt xa các láng giềng như Na Uy và Phần Lan, những nơi áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Gần một nửa trong số hơn 4.000 ca tử vong ở nước này xảy ra ở các viện dưỡng lão. 

Khi được hỏi về kết quả nghiên cứu, Tegnell vẫn cho tin rằng "không dưới 20%" người dân Stockholm đã nhiễm nCoV và sản sinh kháng thể vào tháng 5. Số ca nhiễm ở Stockholm chiếm một phần ba tổng số ca toàn quốc.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người Thụy Điển, tương đương 63% người được hỏi, bày tỏ ủng hộ các biện pháp của ông Tegnell. Tuy nhiên, hôm 24/5, một cuộc biểu tình phản đối chiến lược của chính phủ đã diễn ra tại quảng trường Sergels Torg ở Stockholm, thu hút khoảng vài chục người tham gia. Một trong những biểu ngữ của người biểu tình viết "Tưởng nhớ những người Thụy Điển không được cứu sống bằng chiến lược này".

Hồi đầu tháng, ông Tegnell thừa nhận không dám chắc chiến lược của Thụy Điển là đúng đắn. "Tôi không hoàn toàn tin như thế. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục suy nghĩ", ông nói với báo địa phương Aftonbladet.

Đại sứ Olofsdotter hôm qua cũng thừa nhận đang có những cuộc tranh luận quyết liệt và cả những ý kiến kêu gọi chính phủ thay đổi chiến lược này. "Tôi không cho rằng có nhiều người đang biểu tình trên đường phố, nhưng đúng là mọi người đang tranh cãi trên Facebook và khắp mọi nơi, về việc chiến lược này là đúng đắn hay không", bà nói.

Theo vnexpress