Show The Eras Tour của Taylor Swift tại Úc gồm 7 đêm đã kết thúc vào ngày 26/2. Theo Daily Mail, sự kiện đã giúp thu về số tiền 174 triệu USD cho tiểu bang Victoria sau 3 buổi biểu diễn ở Melbourne; 145 triệu USD cho New South Wales sau 4 đêm diễn ở Sydney.

Các nhà kinh tế đã dùng khái niệm “Swiftonomics” (kết hợp giữa Economic và họ của Taylor Swift) để chỉ lợi ích kinh tế rất lớn tạo ra từ ca sĩ này.

Sau Úc, vào các ngày 2 - 3 - 4 và 7 - 8 - 9/3, Singapore trở thành điểm dừng tiếp theo của The Eras Tour. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết, theo một nguồn tin từ Anschutz Entertainment Group - đơn vị tổ chức The Eras Tour toàn cầu - Singapore đã trả khoản hỗ trợ từ 2-3 triệu USD cho một đêm diễn để Taylor Swift trình diễn độc quyền tại đất nước này, từ đó có thể thu hút nguồn lợi lớn từ du lịch, nghỉ dưỡng.

 
leftcenterrightdel
 Taylor Swift biểu diễn trong khuôn khổ The Eras Tour tại Nhật Bản - Nguồn ảnh: Rolling Stone
Thủ tướng Thái Lan cũng chia sẻ, quốc gia này có thể phải chi gần 500 triệu bath (khoảng 340 tỉ VND) cho một đêm diễn để có thể có được cái gật đầu của nữ ca sĩ. Tuy nhiên đó là khoản chi hợp lý so với hiệu quả kinh tế mà quốc gia thu được. 

Ở Việt Nam, trong năm 2023, nhiều sự kiện đã tổ chức thành công: show diễn của Charlie Puth, Maroon 5 trong lễ hội âm nhạc thường niên 8Wonder, Blackpink với 2 đêm diễn tại Hà Nội. Số liệu cho thấy, nhóm nhạc Hàn Quốc đã giúp Hà Nội đạt khoảng 630 tỉ đồng doanh thu từ du khách.

Nếu được đầu tư bài bản và có chiến lược đúng đắn, có rất nhiều tiềm năng kinh tế từ các sự kiện văn hóa lớn. Đại diện của HAY Festival - đơn vị đã mời thành công các nhóm nhạc lớn như Epik High, 911, The Moffatts... - cho biết: Nhiều vấn đề tổ chức cần phải bao quát (từ lịch trình, sức khỏe, điều khoản hợp đồng...) và quan trọng nhất là phải chứng tỏ được khả năng của đơn vị tổ chức.

Chẳng hạn với Ronan Keating, các yêu cầu của phía ca sĩ dài đến cả 50 trang và cực kỳ chi tiết. Đơn vị tổ chức phải chứng minh năng lực tổ chức của bản thân, của ê kíp tại Việt Nam, cam kết đáp ứng đủ mọi yêu cầu từ phía họ thì những bước tiếp theo về lịch trình, nội dung show diễn… mới có thể tiếp tục.

Đánh giá tiềm năng riêng tại Việt Nam, vị đại diện này cho rằng: để có thể trở thành một điểm đến thường xuyên, đáp ứng được yêu cầu của những ngôi sao quốc tế với các đêm diễn lên đến hàng chục ngàn người, cần phải có sự đồng bộ từ con người cho đến sân bãi, kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, đảm bảo an toàn… chuyên sâu cho lĩnh vực công nghiệp giải trí.

Thực tế cho thấy, còn rất nhiều vấn đề trong việc nâng cao năng lực tổ chức. Theo đại diện của HAY Festival, các đơn vị tổ chức trong nước đang từng bước tiến đến sự chuyên nghiệp hóa, tuy nhiên đó vẫn là một hành trình lâu dài.

Theo phụ nữ TPHCM