TS.Nguyễn Kỳ Tài tại một Hội thảo về nông nghiệp thông minh. Ảnh: Báo Dân tộc

Nhà nghiên cứu cao cấp về quê hương làm bạn với nhà nông

Tâm huyết của TS.Nguyễn Kỳ Tài, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Southern Queensland (Australia) với nông nghiệp thông minh được bắt nguồn từ thực tế. Hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Giữa kỷ nguyên công nghệ 4.0, người nông dân vẫn tiếp tục sử dụng một số phương pháp truyền thống, đôi khi đã lạc hậu, làm ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng cây trồng.

Nông nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo TS.Nguyễn Kỳ Tài, cây trồng cũng giống như con người, có "ngôn ngữ" riêng để thể hiện tình trạng sức khỏe. "Ngôn ngữ" này được thể hiện trực tiếp qua các chỉ số, điều kiện sinh trưởng của cây trồng. Từ những thông tin này, người làm nông nghiệp sẽ có thể sớm phát hiện và có giải pháp ngăn ngừa kịp thời đối với những cây trồng mắc bệnh.

Với niềm tin đó, từ nhiều năm nay, TS. Nguyễn Kỳ Tài đã cùng các đồng nghiệp của mình miệt mài với dự án “Đo tín hiệu cây trồng”, tập trung vào nghiên cứu ứng dụng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng và tính toán tối ưu lượng nước và phân bón sử dụng nhằm đạt được năng suất cao nhất trong điều kiện khí hậu thay đổi.

Mới đây, tại hội thảo chuyên đề "AI trong nông nghiệp" diễn ra vào ngày 16/8 trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Trí tuệ nhân tạo”, TS Nguyễn Kỳ Tài đã giới thiệu 4 mô hình công nghệ AI giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững tại Việt Nam.

Mô hình đầu tiên là máy nông nghiệp tự động. Các máy móc được lập trình và phát triển dữ liệu tự động giúp hoàn thành các nhiệm vụ thiết yếu như tưới nước, nhận dạng cỏ dại, phun thuốc diệt cỏ, thu hoạch vụ mùa với tốc độ nhanh hơn, cho năng suất cây trồng cao hơn.

Tiếp theo đó là mô hình giám sát cây trồng và đất. Với công nghệ này, dữ liệu đầu vào sẽ được thu thập từ hình ảnh vệ tinh, máy bay không người lái, bộ cảm biến nhiệt độ, dữ liệu dưới lòng đất... Dựa trên các thông số này, máy sẽ tích hợp, xử lý và phân tích dữ liệu, đưa ra những cảnh báo về tình trạng đất và cây trồng.

Mô hình thứ ba sẽ giúp ích cho việc phân tích dự báo. Mỗi cây trồng hoặc mỗi khu vực sẽ được cài đặt hệ thống cảm biến, tự tổng hợp và phân tích dữ liệu, so sánh với dữ liệu đầu vào. Trên cơ sở đánh giá những thông số sai lệch sẽ đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và khả năng bị bệnh của cây.

Mô hình thứ tư là nông nghiệp chính xác, có khả năng phân tích dữ liệu, từ đó tự động có những biện pháp chăm sóc cây trồng như: bổ sung nước, tưới phân đạm với tỷ lệ chính xác cao.

Triển vọng đưa AI về “cánh đồng” Việt

Những mô hình công nghệ trên đã được TS Tài và nhóm nghiên cứu áp dụng thử nghiệm trên các cánh đồng trồng mía tại vùng nông thôn ở Toowoomba, Queensland, Australia.

Theo TS.Nguyễn Kỳ Tài, trong tương lai, việc chuyển giao và ứng dụng những công nghệ mới này tại Việt Nam sẽ không đắt đỏ, vì đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công ở nước ngoài. Ông hiện đang trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ này về Việt Nam với chi phí thấp.

Về nước với những nghiên cứu đột phá, nhà khoa học này mong muốn được đóng góp kiến thức của bản thân cho sự phát triển của quê hương. Ông miệt mài với con đường mình đang đi bởi nếu mô hình này phát triển, nó sẽ được áp dụng không chỉ ở những khu trang trại, nông trường lớn, mà còn đến được với những người nông dân. Từ đó, việc làm nông nghiệp ở Việt Nam sẽ hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Southern Queensland (Úc) Nguyễn Kỳ Tài hướng đến.

Tuy nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực, TS.Nguyễn Kỳ Tài hiện vẫn còn không ít trăn trở. Theo ông, bài toán nông nghiệp bền vững tại Việt Nam không chỉ là ứng dụng công nghệ cao mà còn là câu chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì”. Để giải quyết bài toán này thì cần tới trí tuệ con người chứ không phải trí tuệ nhân tạo. Giữa rất nhiều ứng dụng nông nghiệp thông minh như robot trí tuệ nhân tạo, công nghệ IoT (internet của vật dụng), blockchain (chuỗi giá trị)...cần chọn lựa công nghệ hợp lý. Bên cạnh đó, cần xúc tiến hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và chính quyền địa phương, sau đó mới chuyển giao công nghệ hoặc bán lại dịch vụ cho nông dân.

Theo thoidai